Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

TRUYỀN THỐNG AN CƯ

Truyền thống an cư
Tác giả : Khánh Uyên
TRUYỀN THỐNG AN CƯ
Khánh Uyên

Không như các tôn giáo khác có thể có những cấm điều hay định chế được thiết lập sẵn dựa theo chủ quan của vị giáo chủ, mọi định chế của Phật giáo đều xuất hiện sau khi Tăng đoàn đã được thành lập. Đức Phật vốn là người tự mình đạt tới giác ngộ giải thoát, sau đó, đã  vì lòng từ mà trao truyền trí tuệ của Ngài cho muôn loài. Vì không có ý định xây dựng một tôn giáo để đóng vai giáo chủ, Đức Phật hoàn toàn không có thiên kiến chủ quan trong việc thiết lập nghi thức sinh hoạt, chỉ căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của Tăng đoàn mà ấn định luật cho Tăng chúng. Rất nhiều trường hợp, chính cộng đồng chấp nhận Tăng đoàn của Đức Phật đã có những đóng góp cho việc xây dựng truyền thống sinh hoạt của Tăng đoàn. Truyền thống an cư là một minh chứng cụ thể nhất.
Dưới thời Đức Phật, không khí truy cầu chân lý ở Ấn Độ hết sức nhiệt náo. Nhiều giáo đoàn rao giảng các luận thuyết khác nhau về sự hình thành vũ trụ, về bản chất của cuộc sống… Nhiều người từ bỏ đời sống gia đình tham gia sinh hoạt cúa các giáo đoàn, sống cuộc sống khổ hạnh hay truy lạc tùy theo niềm tin của mình với mong ước thực hiện chân lý giải thoát. Họ đi khắp xứ Ấn Độ để truyền giáo và thu phục tín đồ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, họ có thể quy tụ lại với nhau ở một số trú xứ nhất định hoặc giải tán chờ đến lúc tập họp lại. Mặt khác, trong thời gian liên kết với các giáo đoàn loại này, vị tu sĩ vẫn có những liên hệ với gia đình. Tăng đoàn của Đức Phật hoàn toàn khác. Tỳ-kheo thuộc Tăng đoàn của Đức Phật hoàn toàn sống theo hạnh viễn ly, lấy trung đạo làm phương châm, thực hiện việc khất thực để duy trì thọ mạng, tài sản chỉ có ba y một bát, buổi sáng vào làng khất thực, trước giờ ngọ tìm chỗ thọ thực, thời gian còn lại thực hành quán niệm hay thiền định để hiểu rõ lời Phật dạy và chứng đạt chân lý. Cuối cùng, các Tỳ-kheo nghỉ chân dưới một gốc cây có tán lá, một tảng đá, hay một hang động, gần nơi có nước, không quá xa làng mạc, ở chỗ tránh được rủi ro về ác thú, cướp bóc… Đặc biệt, các Tỳ-kheo không được ở quá ba đêm tại cùng một chỗ. Đây là biện pháp nhằm triệt để tiêu diệt tâm sở hữu, vì ngay cả chỗ nghỉ chân giữa nơi khoáng dã cũng không phải là “gốc cây, tảng đá, hay hang động của tôi” để có thể củng cố quan niệm ngã sở. Như thế, trong giai đoạn đầu, Tăng đoàn của Đức Phật hoàn toàn không có trú xứ nhất định. Vào mùa mưa, các Tỳ kheo cũng vào làng mạc khất thực và điều này có nhiều bất tiện. Mùa mưa là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, trời mưa làm nước tràn ngập mặt đất ảnh hưởng đến hang ổ của các loài bò sát, côn trùng. Khi đi lại trong mùa mưa, các Tỳ-kheo làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cối, có thể dẫm đạp lên côn trùng hay bò sát nhỏ mà không biết, lại có thể bị các loài nọc độc tấn công; ngoài ra thói quen ngủ nơi khoáng dã của các Tỳ-kheo không thực hiện được. So sánh với việc an trú trong mùa mưa của các giáo đoàn khác, dân chúng chỉ trích việc đi lại trong mùa mưa của Tăng đoàn Đức Phật. Công nhận sự chỉ trích đó là chính đáng, Đức Phật thiết lập quy định cho các Tỳ-kheo được tìm chỗ trú ngụ trong ba tháng mùa mưa. Điều khác biệt với những giáo đoàn khác nằm ở chỗ, đệ tử Phật an cư ba tháng không chỉ để tránh đi lại trong mùa mưa, mà còn tận dụng thời gian ở yên một chỗ để thực hiện việc tu học và giáo hóa một cách tích cực.
Thực ra, từ chỗ hằng ngày các Tỳ-kheo đi chung với nhau theo từng nhóm nhỏ vài ba người vào làng mạc khất thực trong buổi sáng rồi đến trước giờ ngọ tìm một chỗ nghỉ ngơi, thọ thực, kinh hành, thiền định, quán tưởng, tu học… đến chỗ tập trung một số khá đông Tỳ-kheo vào một nơi sống chung với nhau trong suốt ba tháng mùa mưa, đáng lẽ đã đòi hỏi Tăng đoàn của Đức Phật phải có sự chuẩn bị và đặt ra cho Tăng đoàn rất nhiều việc phải giải quyết. Tuy nhiên, Tăng đoàn của Đức Phật đã có những cơ duyên thuận lợi. Vào năm thứ ba kể từ khi Đức Phật chứng đạo, Tăng đoàn đã quy tụ cả ngàn Tỳ-kheo. Bấy giờ Đức Phật và chúng đệ tử đi lên phía Bắc đến xứ Ma-kiệt-đà trú ở một ngọn đồi ngoài thành Vương Xá. Sự xuất hiện của một đoàn Tỳ-kheo đông đảo sinh hoạt có quy củ đã khiến Tăng đoàn giành được sự ngưỡng mộ của dân chúng. Tiếng tăm của Tăng đoàn đã vang đến tai vị vương chủ xứ Ma-kiệt-đà là vua Tần-bà-sa-la. Vị vua này đã từng gặp Đức Phật khi Ngài còn tu khổ hạnh. Biết người tu khổ hạnh đó chính là thái tử Tất-đạt-đa dòng Thích-ca ở thành Ca-tỳ-la-vệ, nhà vua thỉnh Đức PHật cùng Tăng đoàn vào thành nhận sự cúng dường và được nghe Đức Phật thuyết pháp. Hoàn toàn kính phục và mến mộ trí tuệ và uy đức của Phật, nhà vua Tần-bà-sa-la xin quy y và dâng cúng khu rừng trúc làm trú xứ cho Tăng đoàn. Nhà vua cho xây tịnh xá và cung cấp đầy đủ tiện nghi để Đức Phật và chúng Tỳ-kheo có nơi an trú, nơi đó gọi là tịnh xá Trúc Lâm. Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch năm ấy (lịch Ấn Độ gọi là tháng Vesakha), Đức Phật và chúng Tỳ-kheo đã thực hiện mùa an cư đầu tiên của Tăng đoàn tại đó .
Sau mùa an cư này, Đức Phật cùng chúng đệ tử vượt sông Hằng trở lại thành Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ vua Tịnh Phạn là phụ thân của Đức Phật cùng toàn thể hoàng gia đều xin quy y với Phật làm đệ tử tại gia; ngoài ra một số lớn các vị hoàng tử đã xin gia nhập giáo đoàn. Khi rời Ca-tỳ-la-vệ với ý dịnh trở lại an cư tại thành Vương Xá thì Tăng đoàn của Đức Phật được một vị trưởng giả là Cấp-đô-độc  mời thỉnh về thành Xá-vệ thuộc xứ Câu-tac-la để an cư tại tịnh xá Kỳ viên được xây dựng trên ngôi vườn của thái tử Kỳ Đà mà ông đã mua được với cái giá “tấc đất, tấc vàng”.
Lịch sử ghi nhận sau mỗi mùa an cư đều có các vị Tỳ-kheo chứng đắc thánh quả. Qua các mùa an cư đó, quy tắc về việc tổ chức an cư đã được ấn định thật tỉ mỉ. Do Tăng đoàn đã phát triển đến hàng ngàn người, Đức Phật cho phép các Tỳ-kheo tụ tập thành từng nhóm với quy mô thích hợp. Tự xây dựng lều làm nơi cư ngụ trong mùa mưa. Ở một khu đất rộng rãi, các lều làm bằng vật liệu nhẹ có thể được dựng thành từng dãy và có thể dựng thành gác cao hai hay ba tầng, có phòng rộng làm chỗ hội họp. Mỗi trú xứ có một phạm vi được ấn định bởi các đường ranh gọi là cương giới. Trong phạm vi đó các Tỳ-kheo sinh hoạt tập thể suốt ba tháng theo các quy định nghiêm ngặt. Một tập thể được công nhận là Tăng-già phải hội đủ bốn vị Tỳ-kheo, trong đó phải có vị đã từng dự an cư trong các mùa mưa trước làm thượng thủ. Tăng-già không hạn định số lượng tối đa. Khi Đức Phật đã chấp nhận phát triển Ni giới, các quy định về an cư cho Tỳ-kheo Ni cũng được quy định thật chặt chẽ. Với những quy định về an cư, từng bước Tăng đoàn của Đức Phật trở thành một giáo đoàn có đời sống định cư, thực sự thể hiện tinh thần nhập thế thông qua việc giáo hóa hàng bạch y trong thời gian tu tập miên mật suốt ba tháng tại một nơi cố định.
Trải qua hơn 2.500 năm truyền bá và phát triển truyền thống an cư mùa mưa của Tăng đoàn Phật giáo vẫn được duy trì. Tuổi đạo của một vị tu sĩ được tính theo số mùa an cư mà vị ấy đã tham dự. Trong mùa an cư, chẳng những chư Tăng Ni có điều kiện thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tăng trưởng Giới Định Tuệ, xứng đáng làm ruộng phước cho hàng Phật tử tại gia, mà chính những người Phật tử tại gia cũng có điều kiện thực hiện vai trò “cận sự”. Trong lúc chuẩn bị mùa an cư, Phật tử cúng dường các phẩm vật cần thiết giúp chư Tăng Ni tu tập suốt ba tháng. Trong quá trình an cư của chư Tăng Ni, Phật tử thường xuyên lui tới tham học, giúp đỡ việc tổ chức sinh hoạt của chư Tăng Ni, nhờ đó tạo được công đức thiết thực trong hành trình tu học. Nhiệt tâm của hàng Phật tử tại gia góp thêm một động lực khiến chư Tăng Ni tinh cần trau dồi giới đức. Sự tinh cần của chư Tăng Ni củng cố tín tâm của hàng Phật tử tại gia. Khi hiểu rõ ý nghĩa của truyền thống an cư, một mùa an cư được tổ chức và thực hiện chu đáo thực sự sẽ mang lại lợi lạc cho mọi người con Phật, dù xuất gia hay tại gia.
Khánh Uyên
(Văn Hóa Phật Giáo 131)

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Hoạt Động Xã Hội Gia Đình Phật Tử Phước Sa - Bình Định
( theo biên tập viên Lý tưởng Lam)
   
    Hôm nay ngày 4-6 với sự khuyến tấn của thượng tọa Thích Đồng Tín cố vấn giáo hạnh, trú trì chùa Phước Sa, Vũng Nồm xã Nhơn Lý, GĐPT Phước Sa đã tổ chức thu dọn cát bồi phủ lấp một quảng  đường tại khu vực cầu Suối Cả, tại khu vực này do thường xuyên xảy ra tai nạn vì cát tràn đầy lên mặt đường gây trơn trợt, khiến cho người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Đây là một việc làm thiết thực trong công tác xã hội của lam viên GĐPT Phước Sa.
      Thu xếp công việc để đến nơi Gia đình Phật tử Phước Sa đang thực hiện công tác xã hội. Dưới cái nắng oi ả của tiết trời đầu hạ của miền trung, ánh nắng chói chang của miền xã đảo với cái gió hanh nắng thổi đầy gió và cát của hai Vũng Nồm, vũng Bấc miền xã đảo Nhơn Lý, đã làm cho tôi hoa cả mắt, mồ hôi đã thắm ướt cả áo. Một cái lều trại được cắm vội dưới hàng thông che mát một khoảng không gian chỉ vừa đủ cho toàn bộ 80 người núp dưới cái bóng nắng chói chang của trưa hè.
     Xá chào thượng tọa cố vấn giáo hạnh đang ngơi nghỉ, sau khi dùng bữa trai soạn vừa xong. Một cảnh sinh hoạt ôn lại toàn bộ chương trình Phật Pháp được dẫn dắt từ hai huynh trưởng nam ngành đồng, đã làm cho các em thêm phần sôi động và tiếng hát tập thể vang vọng một góc trời. Vậy là một phần  công việc đã được làm trong buổi sáng. Ước lượng với số cát được trải trên mặt đường với chiều dài 50 mét và chiều rộng khoảng 10 mét, nhẩm tính một con số không nhỏ, cũng phải trên 20 mét khối cát đã tràn lấn gây tắt nghẽn lưu thông một quảng đường độc đạo đầu cửa ngõ và ngôi làng xã đảo.
    Cung kính dâng lên thầy một món quà nhỏ để làm kỹ niệm, Gương mặt lấm tấm những giọt mồ hôi đã làm tăng thêm nét chịu thương chịu khó của thầy cố vấn giáo hạnh đã làm cho chúng tôi thực sự xúc động. Thầy chia sẻ thêm về công việc của toàn thể Gia đình Phật tử Phước Sa đóng góp cho thôn xóm vì nơi đây thầy đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện tai nạn đã từng xảy ra, Thầy thổ lộ nguyện vọng được thu dọn đống cát đã tràn trãi trên đường do gió thổi, hậu quả của việc khai thác khoáng sản đại trà không có kế hoạch của nhiều doanh nghiệp, đã làm cho những rừng cây phi lao chắn gió không còn nữa. Đảo Nhơn Lý là một xã đảo bị cô lập với đất liền và mới được khởi sắc sau khi có con đường được quy hoạch nối liền mạch sống giữa miền đồng bằng và xã đảo, một thành tựu đầy tự hào về những con người đã kiến tạo nên sự khởi sắc của tỉnh Bình Định. Một bài thơ đã được thầy cảm hứng sáng tác trong buổi hoạt động xã hội, Thầy đã đọc cho anh em chúng tôi nghe như sau:
                                     Ngẫu Cảm
                                                 Thượng Tọa Cố Vấn giáo hạnh GĐPT Phước Sa

   Tháng tư nhuận, sáng một ngày rằm
Gió ngàn cũng tỏ nắng gắt gay.
Gia đình Phật tử Phước Sa tự
Lên đường vui mở một trại bay.

Suối Cả mùa này chỉ cát bay
Từng con sóng nhỏ hát đêm ngày
Thông cũng vi vu nâng cung bậc
Đàn lòng réo rắt, lại so dây.

Hạnh phúc người ta cũng như mình
Rủi ro tai nạn xảy thình lình
Cờ xanh sen trắng bay phất phới
Cuốc xẻng dọn đường để giao thông.

Bánh mì và bún cho qua bữa
Vui lòng sinh hoạt đến chiều trưa
Biển xanh, mặc sức tung tăng lội
Cát trắng lăn mình, đuổi rượt đua.

Hoàng hôn rủ cánh đón nàng Hằng
Lửa thiêng ca khúc rực ánh hồng
Rồi dây thân ái tay xiếc chặt
Nứt cả không gian Đạo tình nồng.

Rằm trước rằm sau cũng là rằm
Tháng tư, tháng bốn ở chung năm.   
   Giờ nghỉ trưa cũng đã hết, tiếp tục công việc của buổi chiều, ánh nắng càng về chiều càng chói chang và gay gắt hơn, không để cho các em lam viên ngành đồng tham dự tiếp công việc, các huynh trưởng của ngành đã đưa các em đi trốn nắng dưới gầm cầu Suối Cả, nơi đây được diễn ra với những trò chơi Phật hóa mới và vui nhộn, thượng tọa cố vấn giáo hạnh cũng hòa đồng cùng với các em, những bài hát sinh hoạt gia đình được các em liên tục trổ tài, vọng vang đã làm cho các anh chị huynh trưởng ngành thanh càng thêm phấn chấn với công việc, kẻ xúc , người bưng thấm thoát cũng đã vơi đi phân nữa số cát tràn còn lại, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh của vị thầy cố vấn, tay cầm cờ sen trắng, tay cầm chổi, lom khom quét dồn cát cho sạch những vệt cát còn sót lại trên mặt đường. Đưa máy lên ngắm chụp, một hình ảnh thật tràn đầy nhựa sống, như góp thêm phần hào hứng, tiếp sức cho các anh chị huynh trưởng đang tham gia với công việc cũng bổng dưng quên đi sự mệt mỏi.
    Trời gần về chiều, ông mặt trời như cũng đã thương cảm cho những người con của Phật, dần lùi xa và làm cho ánh nắng như dịu lại, những làn gió mát từ xa thổi đến không gì sướng bằng, các em chim oanh như cũng thấu hiểu cho sự mệt mỏi của các anh , các chị đã ùa lên hòa cùng các anh chị làm số việc còn lại. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các em như đàn kiến cần mãn khiêng vác từng xẻng cát vừa sức, các em phụ quét gom cát lại thành từng đống làm sạch sẻ mặt đường. Chỉ còn một số ít cát bên lề đường với quyết tâm làm cho hết mới nghỉ, chia tay Thượng tọa và tập thể gia đình Phật tử Phước Sa, bài ca Bốn phương trời vang lên trong sự hồ hởi của các em để tiễn chúng tôi trở về. Những gương mặt thật vui và tươi trong lao động công ích đóng góp cho xã hội của tập thể Huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật tử Phước Sa đã góp phần tô bồi cho sự trưởng thành đầy thân thiện của những người con Phật của quê hương xứ Vũng.
      Chùm ảnh ghi nhận được trong ngày công tác xã hội Bảo Vệ Môi Trường của Huynh trưởng và đoàn viên GĐPT Phước Sa.