Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Cảm thán : Bông Hồng Cài Áo - Mùa Vu Lan Báo Hiếu PL 2556.

Cảm thán : Bông Hồng Cài Áo - Mùa Vu Lan Báo Hiếu PL 2556.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Chứng Minh.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Thùy Từ Gia Hộ.
Kính lạy nhiều đời nhiều kiếp mẹ cha của chúng con, từ vô thỉ cho đến ngày nay cưu mang dưỡng dục.
Hãy lắng nghe tiếng lòng thành kính của tất cả chúng con trong đạo tràng dâng lời tác bạch.
Chúng con xin nhờ áng mây trắng bồng bềnh, theo ngọn gió mùa thu ngọt lành mát dịu, đưa thinh âm khắp tận đất trời, lời ca thán về hạnh lành về tình thương vô bờ của Mẹ.
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, kính thưa liệt quý vị thiện hữu tri thức, thưa quý phụ huynh của chúng con GĐPT Phước Sa kính mến !
             Con xin mượn ý thơ của Thượng Tọa Thích Đồng Tín để mở lời tác bạch :
                    “…Tiếng ve sầu còn đâu râm rã
                     Cánh phượng buồn vội vã hóa thân
                              Gió thu tiễn lá ngô đồng
                    Thời gian thấm thoát một vòng diệt sanh…”
A Di Đà Phật ! Kể từ mùa Vu Lan thuở ấy Ngài Bồ Tát Mục Liên cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, vượt vòng sanh tử luân hồi, an vui tự tại. Thấm thoát dọc dài trải mấy ngàn năm vang danh Đại Hiếu, để hoằng hóa chúng sanh noi theo :
Như lời Đức Phật dạy : - Trăm hạnh Hiếu là gốc – Muôn đức Hiếu là nguồn.
Từ ấy cho đến nay cứ tháng 7 âm lịch hàng năm, người Phật tử luôn cu hội về chùa tu tập pháp môn Hiếu hạnh. Không những đền tứ ân trong muôn một đến cha mẹ còn sống hiện tiền, mà cho tất cả đa sanh phụ mẫu nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng, được trượng thừa công đức mà siêu sanh tịnh độ.
Mỗi một quốc độ đều có mỗi cách thể hiện và tu tập khác nhau. Gia đình Phật tử chúng con học theo ngài thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thuở ấy Ngài đông du thấy “Ngày Của Mẹ” được quốc độ ấy tôn vinh tặng hoa hiếu kính. Ngài thương quá Mẹ Việt Nam mẹ của chúng con ơi, đất nước mấy ngàn năm văn hiến… Ngài viết nên cuốn sách Bông Hồng cài áo và thể hiện tình yêu thương hiếu kính Mẹ cha, nhân mùa Vu Lan báo hiếu. GĐPTVN chúng con cứ hàng năm để nhắt nhở mình, và để an ủi cho nổi bất hạnh, những cảnh đời của những người con mất Mẹ cha…bông hồng cài áo…ôi những bông hoa được kết tinh, từ tình yêu thương của con kính dâng cho cha mẹ. Rồi nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ sáng tác bài “ Bông Hồng Cài Áo” từ ấy trở thành bài ca không thể thiếu trong ngày lễ Cài hoa hiếu hạnh long trọng này.
Ai đã từng khoát áo lam Phật tử
Qua mỗi mùa hiếu hạnh chẳng rưng rưng
Kìa em bé mẹ em vừa mới mất,
Áo em cài hoa trắng, trắng rưng rưng…
Đã lâu rồi phong trào này không còn gói gọn trong tổ chức GĐPTVN mà đã lan rộng xa vì tinh anh của nó. Mọi màu áo của tất cả mọi người, đều chung cài hoa hồng hiếu hạnh, bởi một lẽ rất giản đơn:
                                        Ai làm người mà không yêu cha Mẹ
                                        Khóc oa oa đòi sữa ngọt đầu đời…
                                        Dẫu một ngày hóa thành tiên, thành Phật
                                        Nhưng cũng là từ múm ruột mẹ mà ra…
Làm sao mà quên được những ký ức ngày xưa về mẹ, hiện hữu hàng ngày trong câu hát ru con ầu ơ sớm tối :
                                                “…Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
                                                Năm canh chầy mẹ thức đủ năm canh…”
                             “…Con cò mà đi ăn đêm – đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”
Hay những câu dạy bảo đầu nôi :
                                                “…Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
                                                Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe…”
Lời ru của mẹ ngân nga qua nhiều đời nhiều kiếp, như sóng biển dạt dào âm ba trời đất. Làm sao quên được, tiếng võng tre kẽo kẹt của ngày thơ, sao quên được hình ảnh mẹ gánh gồng, mua thúng bán bưng hàng ngày, để nuôi con mua từng con chữ…
Một ký ức miền quê thuần việt có thể đã ngày một mất dần đi, và hình bóng người Mẹ Việt Nam cũng khác dần đi trong tâm trí người con Việt trẻ. Có lẽ vậy… đấy chính là những nét văn hóa bị mất đi vì thời cuộc xô bồ…
Dẫu vì cái gì đi chăng nữa thì tình yêu thương cha mẹ vẫn hiện hữu ở trên đời.
Chúng con ngưỡng vọng tình yêu thương của chúng con động đến đất trời, để cho những người mẹ trẻ không còn cảnh đem con bỏ chợ. Không còn cảnh chưa ra đời đã bị đào thai vứt bỏ, những đứa con linh thần xa sút, oán hận mẹ cha không gắn nổi một cành hồng…
Chúng con nguyện dâng tình yêu thương cha mẹ của chúng con, hóa cơn mưa pháp nhiệm màu, làm tan biến những tâm hồn bệnh hoạn, của những đứa con bất hiếu, giết mẹ cha chỉ vì mấy đồng tiền…trời không dung, đất chẳng tha, nhưng hởi ôi cái ác vì đâu mà hiện hữu giữa đất Việt thân yêu ?
Mỗi năm mùa Vulan về chúng con lại thắt những đóa hồng tươi mới, hàm tiếu lung linh. Cánh lá xanh xanh mỏng manh, như bàn tay bé bỏng ngày nào của bé đòi mẹ ẳm bồng, xin ôm trọn đóa hồng tươi dâng mẹ.
Mẹ ơi chúng con nhớ !
Xứ Vũng quê mình một nắng hai sương quanh năm gió cát.
Nhớ ngày xưa chờ giọt nước giồng,
           quang gánh nặng quằng cát lún chân không,
                              nắng thiêu đốt đôi chân gầy bỏng rát.
Nhớ ngày xưa mẹ gánh cá đổi gạo đồng,
             vượt núi cát chập chùng,
                               một dọc hai ngang con đò con từng trải…
Chợ Gò Bồi, chợ Quảng Ngỗng, chợ Kén Hàng
             đâu đâu cũng im dấu chân người Mẹ vũng…
Con nhớ lắm mẹ ơi ! Cứ chiều chiều hoàng hôn rực đỏ trên trảng cát mênh mông, lũ chúng con chạy ra dốc cát đầu làng ngóng mẹ, mong mẹ về cho bánh, cho những trái bắp luột ngọt ngon…
Thời của chúng con lớn lên bằng những nổi khổ triền miên của mẹ, hiểu và thương nhớ về ký ức, của một thuở kinh người, thiếu đói quanh năm…
Không có tình thương yêu nào mênh mông, sánh bằng tình thương mẹ dành cho chúng con cả. Dẫu ngày nay hoàn cảnh có khác đi. Những khó khăn vật chất cũng bớt làm cong chiếc lưng của mẹ. Nhưng nổi lo cho những đứa con vào đời hư hỏng lại tăng lên trăm ngàn lần gấp bội. Mẹ lại khằng đi tóc ngày thêm sợi bạc, nhìn con thơ bé bỏng đua đòi theo những thứ phù vân cuồng loạn. Chữ hiếu ngày nay, dường như được đánh đổi bằng những đồng tiền gởi về cho mẹ…nhưng sao đổi được nổi thương nhớ con, nổi lo của mẹ, sao xua được nổi cô đơn của mẹ già tựa cửa ngóng con xa xứ trở về.
Ôi mẹ ơi ! Bởi vậy mỗi mùa Vu Lan về chúng con muốn thế giới này ngập đầy hoa hồng dâng tặng mẹ. Những bà mẹ bớt cảnh nhớ con, những đứa con xa lại ấm lòng khi cài đóa hồng dâng mẹ…Đẹp biết bao ý nghĩa của nó, ngày lễ cài hoa hiếu hạnh này…
Nơi phương trời xa Âu + Mỹ những đứa con xứ Vũng tha hương lại nhớ nhiều về mẹ, nhớ về người mẹ quê yêu dấu…
+ Hạnh phúc nào hơn những đứa con còn mẹ, trên ngực lam cài đóa hồng đỏ tươi vui. Như luôn nhắc nhở, nhớ nhé những đứa con, hãy thương yêu mẹ của mình như Đại hiếu Mục Liên Bồ Tát.
+ Xin chia buồn san sẽ những người mất mẹ mồ côi, đóa hồng trắng lung linh Ngày Của Mẹ.
                                                      
            Tháng bảy thu vàng nắng thu thanh thanh
            Biển thu xanh sóng vỗ nhẹ bên ghành
            Chùa Phước Sa mùa thu về báo hiếu
            Hoa Vu Lan tha thiết kính dâng đời…
Trên chừng đồi Mẹ hiền hóa Quan Âm
Mây ngũ sắc chở che an vui miền duyên hải
Sóng bạo tàn biển đông Hoàng Sa, Trường Sa vọng lại,
Đợi thuyền về gối bãi sáng vàng trăng.
           " ...Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh…
            Cho những ai đang còn mẹ…"
            Để dặn lòng hiếu kính thêm hơn…
            Đóa hoa cài hồng trắng thương thương
            Nhắc người nhớ công ơn cha mẹ
           
             Ngàn năm đi khắp sơn khê
    Tình thương của Mẹ vô bờ mênh mông
            Vu Lan dâng tặng đóa hồng
        Cầu mong mẹ Việt thoát vòng khổ đau…

                                                                        Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

                                                                        Kính dâng tặng mẹ nhân Mùa Vu Lan 2556
                                                                                    Vạn Tuệ - Nguyễn Tấn Trí

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Hòa thượng Cua và tình mẫu tử (tức Thiền sư Tông Diễn - đời Vua Lê Hy Tông)

Hòa thượng Cua và tình mẫu tử

(tức Thiền sư Tông Diễn - đời Vua Lê Hy Tông)

Nguồn: Sưu tầm ( theo trang nhà Quangduc.com)
chu_tieu_5.jpg
( Hình intenet - minh họa)

Căn nhà lá xiêu vẹo mục nát bên bờ ao, ra vào chỉ có hai mẹ con. Mẹ buôn gánh bán bưng, tảo tần hôm sớm; đứa con trai còn nhỏ dại, đỡ đần mẹ những việc lặt vặt hàng ngày.

Một hôm mẹ bảo con:

- Sáng nay mẹ bắt được mấy con cua, còn để trong giỏ ở góc bếp. Trưa con hái rau đay nấu bát canh cua, mẹ đi bán về hai mẹ con ăn nhé.

Cậu bé vâng dạ, người mẹ quảy gánh hàng rong ra đi, cậu nhìn theo bóng mẹ, muốn nói, mẹ về mua cho con tấm bánh đúc, nhưng lại không dám. Tuổi thơ nhà nghèo đã sớm biết cảnh ngộ, cha mất từ khi cậu còn ẳm ngửa, mẹ bươn chải suốt ngày chỉ đủ cho hai mẹ con rau cháo đỡ lòng. Dám mơ gì đến áo quần quà bánh, càng không dám nghĩ đến chuyện học hành. Nhiều lần cậu bé đứng đàng xa nhìn về ngôi trường làng, thấy đám học trò đang gò lưng tập viết, hoặc đồng thanh đọc theo thầy "Nhân chi sơ tính bản thiện…" cậu thích mê, tuy chẳng hiểu một chữ nào nhưng cậu cảm thấy bao điều huyền diệu trong những âm thanh trầm bổng ấy.

Thích thì thật thích, nhưng tuyệt đối cậu không dám hé ra một lời với mẹ. Bởi vì cậu biết mẹ cậu đã khổ quá nhiều. Đôi lần cậu cảm nhận những giọt nước mắt thầm rơi trên tóc cậu, khi mẹ ôm cậu vào lòng. Nhưng khi cậu nhìn lên, mẹ lại vội mỉm cười, bảo là có hạt bụi rơi vào mắt. Sau đó mẹ ôm cậu chặt hơn, và hai mẹ con cùng ngồi yên lặng, tận hưởng những giây phút sum vầy hạnh phúc bên nhau. Hiển nhiên là cậu không thể sống thiếu mẹ và ngược lại, mẹ cũng không thể nào sống mà không có cậu.

Mãi nghĩ vẫn vơ, nhìn lại đã thấy trời gần đứng bóng, cậu bé nhớ lời mẹ dặn, ra sau nhà hái một đám rau đay, rửa sạch rồi để vào rổ cho khô. Rau đay nấu với nước cua giã, mùa hè nóng nực có bát canh nầy thì ăn đến đâu mát ruột đến đấy. Hôm nay mình phải nấu thật ngon, mẹ đi bán về mệt, ăn vào chắc chắn khỏe ra ngay. Mẹ sẽ khen con mẹ giỏi ghê, và mẹ sẽ thưởng cho mấy cái hôn vào má.

Chiếc giỏ tre nằm nơi xó bếp. Mấy con cua bò lổm ngổm. Cậu bé đến gần, định trút cua ra cối giã. Chợt thấy những đám bọt sùi trên thân cua, cậu ngẩn ra nhìn. Thì ra cua cũng biết khóc ư? Chúng sợ mình giết chúng đây mà. Tội thế thì thôi. Làm sao mình nỡ hại chúng được nhỉ? Cậu mang giỏ cua ra bờ ao, trút hết cua xuống đất. Lũ cua được hồi sinh, vội vã bò đi tản mát. Cậu bé nhìn theo, mỉm cười…

Buổi trưa nắng gắt. Người mẹ trẻ quẩy gánh hàng rong còn nặng trĩu trở về. Từng vệt mồ hôi trắng loang lổ trên lưng áo, chảy ròng ròng trên mặt. Nghèo nàn cơ cực và đau khổ đã tàn phá nhan sắc người thiếu phụ quá sớm. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ở nhờ nhà dì chú lại bị hành hạ đuổi xua, cô phải làm thuê ở mướn nuôi thân qua ngày. Tuy cô hiền hậu dễ thương, nhưng gia cảnh quá bần hàn nên không ai muốn kết thân. Mãi về sau, gặp được người tử tế, tưởng số phận đã mỉm cười, vợ chồng suốt đời nương tựa bên nhau. Nào ngờ chồng mắc cơn bạo bệnh, không tiền thuốc thang nên qua đời, để lại đứa con trai mới vài tháng tuổi. Cũng an ủi cho cô, đứa con càng lớn càng thông minh, lại rất ngoan, rất có hiếu. Mẹ đi bán về, bé biết rót nước mẹ uống, quạt mát cho mẹ; thấy mẹ buồn, bé biết rúc đầu vào lòng mẹ, thỏ thẻ với mẹ đôi câu. Nếu không có đứa con, chưa chắc cô có thể gắng sống đến bây giờ.

Nghĩ đến con, người mẹ thấy lòng dịu mát. Ở nhà chắc thằng bé đã nấu cơm xong. Sáng giờ chưa có gì vào bụng, người mẹ nghe đói cồn cào. Gắng sức về đến nhà, rửa mặt qua loa, cô mỉm cười nghe con vừa dọn cơm vừa tíu tít. Nhìn bát cà muối nằm chỏng chơ trên chiếc mâm tre, người mẹ ngạc nhiên hỏi:
- Con quên nấu canh cua chăng?
Thằng bé ngập ngừng:
- Con không quên đâu, mẹ ạ. Nhưng… lúc bắt cua định cho vào cối, con thấy chúng khóc tội quá nên… đã thả hết rồi.
Người mẹ tức nghẹn, trố mắt nhìn con, lát sau mới thốt lên:
- Cái gì? Mầy nói cái gì?
Nhìn đôi mắt long lên của mẹ, thằng bé co rúm người lại, líu ríu không ra tiếng:
- Dạ… con thả cua đi hết rồi.
Vừa mệt vừa đói lại vừa tủi cực, người mẹ òa lên khóc:
- Giời ơi là giời! Sao đời tôi khổ thế này? Người ta có con nhờ con có của nhờ của, tôi chỉ có một đứa con mà chẳng biết thương mẹ. Đồ bất hiếu, xéo ngay khỏi nhà nầy! Từ nay chẳng mẹ con gì sất!

Thuận tay, người mẹ cầm ngay đòn gánh phan vào chân con. Thằng bé trúng đòn vào chân đau điếng, vội chạy ù ra khỏi cửa. Người mẹ gục mặt vào cạnh bàn, đôi vai gầy guộc rung lên từng hồi trong cơn đau khổ xé lòng. Nỗi giận Trời già bất công, nỗi thương thân phận hẩm hiu chưa hề có một ngày vui trọn vẹn, chưa một giờ nào thật sự thảnh thơi. Bên cạnh, vẫn âm ỉ nỗi ân hận đã nặng tay nặng lời với đứa con thân yêu duy nhất. Từ trước đến nay, có bao giờ thằng bé bị bà la mắng, nói gì đến đánh đập đuổi xua? Chỉ tại hôm nay trời nóng quá, hàng họ ế ẩm, chủ nợ lại chận đường chửi bới đủ điều. Cực nhục quá đỗi, thân cò đơn chiếc làm sao giữ nổi bình tỉnh khi chút hy vọng cỏn con là một bữa ăn cải thiện mà cũng không thành hiện thực?

Chìm vào tột cùng đau khổ, người mẹ cứ gục đầu, không biết thời gian trôi qua, không biết bên ngoài trời đã xế chiều. Khi chợt tỉnh, nhìn quanh thấy im vắng lạ thường, người mẹ nhớ lại chuyện lúc trưa. Hốt hoảng gọi con, không nghe tiếng thưa, cô vội nháo nhác đi tìm…

. . . Cuộc tìm kiếm kéo dài gần 40 năm.
Người mẹ trẻ ngày nào đã trở thành một bà cụ cô đơn, còm cõi, sống hiu quạnh nơi quán nước bên đường. Hai mắt đã mờ, hai tai đã lãng, nhưng nỗi nhớ thương ân hận vẫn còn tươi nguyên, vẫn còn da diết. Bao nhiêu năm trời lang thang tìm con khắp nẻo, không kể nắng mưa gió bụi, không kể lạnh lùng đói khổ, bà sống nhờ hạt cơm bố thí. Chỉ có một chút lửa hy vọng nhìn lại mặt con, ôm con trong vòng tay, nói lên lời xin lỗi, mới giữ được bà còn sống đến ngày nay. Chút hy vọng ấy như sợi dây tơ giữ bà liên hệ với cuộc đời. Những năm gần đây, sức đã mòn chân đã yếu, bà đành về làng cũ, dựng tạm quán nước bên đường làm nơi trú thân và để tiện việc hỏi han tin tức đứa con lưu lạc. Sáng nay, tự nhiên bà cụ thấy nôn nao lạ lùng. Từ sớm, bà đã lui cui dọn dẹp bàn ghế, quét sạch nhà cửa, quét luôn đám lá ngoài sân. Ly tách trên bàn đã sạch sẽ ngay ngắn, nhà cửa đã ngăn nắp gọn gàng mà bà vẫn luôn tay làm việc. Dường như có một luồng sinh khí tràn vào thân tâm khiến bà mạnh lên, trẻ lại, nhưng bà không hiểu nguyên do, không biết có chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Mãi làm, bà không biết có một người khách vừa đến. Khi nghe tiếng gọi, bà mới giật mình ngẩng lên chào hỏi. Khách là một vị tu sĩ, trạc tuổi 50, giọng nói từ hòa trầm ấm:
- Bà cụ mở quán nầy lâu chưa?
Bà bưng tách trà đặt ngay ngắn trước mặt nhà Sư, chấp tay cung kính:
- Bạch cụ, con mới mở vài năm nay thôi ạ. Trước đây con cũng ở làng nầy, nhưng tận sâu trong kia.
Nhìn theo ngón tay chỉ của bà cụ. Sư như nhận ra điều gì, vội hỏi tiếp:
- Thế… bà cụ ở đây cùng với con cháu chứ?
Bà cụ đưa tay áo lên lau giọt nước mắt vừa ứa ra, buồn bã trả lời:
- Bạch cụ, trước kia con có một đứa con trai. Năm nó 12 tuổi, chỉ vì một chút bất hòa, nó đành đoạn bỏ con đi biệt tích. Con tìm nó suốt 40 năm nay, sức mỏn hơi tàn nhưng cũng gắng sống chờ gặp lại nó, nói với nó một câu xin lỗi rồi mới yên tâm nhắm mắt. Nếu không thế thì con không có mặt mũi nào nhìn nhà con dưới suối vàng được ạ.
Rồi như mạch nước được khai thông, bà cụ run run ngồi xuống bên Sư, kể hết mọi sự tình. Bà kể về những tháng năm mẹ con đầm ấm bên nhau, đến chuyện một bát canh cua làm đoạn lìa tình mẫu tử. Bà kể về khoảng thời gian lang thang khắp nẻo, vừa xin ăn vừa lặn lội tìm con, cho đến tuổi già còn đau đáu ngóng vời đứa con biệt dạng. Bà không thấy rõ mặt Sư, vì giòng lệ nhiều năm đã làm mờ ánh sáng của đôi mắt trong, nhưng bà cảm nhận một sự thân thuộc và tin cậy không tả nổi với người khách lạ nầy. Cho nên, tâm sự chất chứa bao năm đầy ắp, giờ có dịp được trút cạn nỗi niềm.

Sư sửng sờ, ngồi lặng thinh. Trước mắt Ngài hiện rõ hình ảnh một đứa bé gầy guộc đen đủi, mặc chiếc quần cộc đen, ngồi nhìn đám cua đang khóc trong giỏ, rồi lui cui thả chúng xuống ao. Đứa bé ra cửa đón mẹ, hai mẹ con đang nói cười vui vẻ, bỗng đâu mẹ quắc mắt nhìn mâm cơm, và một chiếc đòn gánh phang đến. Vết đau nơi chân không sâu bằng vết đau trong tâm hồn non trẻ và sự hoảng sợ khi cậu bất chợt nhận ra một người khác nơi mẹ mình, một con người sân hận hung dữ mà cậu chưa hề gặp.

Cậu không biết mẹ đã biến đi đâu. Người mẹ hiền từ dịu dàng vẫn vuốt ve ôm ấp cậu. Cậu ôm đầu chạy trốn con người hung dữ kia, tai vẫn văng vẳng nghe tiếng gào thét của hắn. Cậu nhắm mắt chạy mãi, chạy mãi để trốn tránh những hình ảnh, những âm thanh ma quái ấy. Cho đến khi mệt đuối, cậu ngã xuống một bờ đê, bất tỉnh.

Bà cụ vẫn thủ thỉ kể chuyện đời mình bằng một giọng đều đều, nhỏ nhẻ. Sư vẫn ngồi đó yên lặng, tiềm thức tiếp tục trổi dậy những hình ảnh ngày xưa. Bốn mươi năm dài chỉ như một chớp mắt. Cậu bé được một vị sư già đưa về chùa săn sóc, dở tỉnh dở mê. Cơn chấn động tinh thần dữ dội, thêm sự nhọc mệt quá độ của thể xác làm mất hẳn trí nhớ. Cậu không biết mình con ai, ở đâu, tên gì, vì sao nằm gục trên đám ruộng xa lạ. Khi tỉnh dậy nhìn quanh, thấy mình đang ở trong chùa, bên cạnh là vị sư già đang nhìn cậu bằng đôi mắt bao dung, từ ái.
Kể từ hôm ấy, cậu như mới được sinh ra, sống nương cửa Phật, nhờ ơn giáo dưỡng của sư phụ trụ trì. Tu hành tinh tấn, giới hạnh trang nghiêm, cậu dần trưởng thành, trở nên một vị chân tu thạc đức, được sư phụ cho kế thừa trụ trì ngôi tu viện. Trong một đêm thiền định sâu xa, khi mọi vọng niệm bặt dứt, trở về với bản tâm thanh tịnh rỗng lặng sáng ngời, ngài đột nhiên nhớ lại chuyện xưa. Thời thơ ấu bên người mẹ hiền sớm hôn tần tảo vụt hiện ra, rõ ràng như chuyện xảy ra hôm qua.

Mẹ giờ chắc đã già yếu, quạnh quẽ cô đơn, từng ngày mong ngóng đứa con duy nhất. Người tu cát ái từ sở thân, nhưng không vì thế mà lãng quên công sinh thành dưỡng dục. Phải trở về quê cũ, tìm gặp mẹ hiền, nghĩ cách bù đắp cho Người những gì mình thiếu sót, báo đền ơn sâu của Người dù đã muộn màng.

Sáng sớm hôm sau, Ngài sắp xếp công việc trong tự viện, giao phó cho những đệ tử thân tín, bảo là ra đi có việc cần, khi nào xong việc sẽ trở về. Một mình Ngài tìm về làng xưa, nhận không ra quang cảnh cũ. Bốn mươi năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Mái nhà tranh thân thương cạnh bờ ao rau muống, nay chỉ là mảnh đất cỏ dại. Đi quanh xóm, không còn một gương mặt thân quen. Mẹ già đã phiêu bạt nơi đâu, hay đã ra người thiên cổ?

Bốn mươi năm, hình ảnh mẹ bị phủ che bởi lớp bụi dày vô ký, con không hề biết trên đời nầy có mẹ, thảnh thơi sống trong thiền môn vui với câu kinh tiếng kệ. Chao ôi! Tu hành mà làm gì khi một chữ hiếu chưa trả xong, khi không biết mẹ hiền đang ở đâu để lo bề phụng dưỡng?

Nhiều năm trôi qua như thế. Ngài quảy gói làm du Tăng đi khắp hang cùng ngõ hẹp hỏi thăm tin tức về một người mẹ mất con. Trả lại câu hỏi của Ngài, mọi người đều lắc đầu không rõ. Rất thông cảm và rất thương cho vị tu sĩ có hiếu, nhưng không ai có thể giúp Ngài được gì. Nhiều người góp ý, có lẽ thời gian qua lâu thế, mẹ Ngài đã khuất bóng rồi chăng, biết bà cụ ở đâu mà tìm? Chỉ một mình Ngài vẫn giữ trọn lòng tin, Phật Trời không phụ người thành tâm, sẽ có ngày mẹ con đoàn tụ.
Và bây giờ, sự thật mà cứ ngỡ trong mơ! Mẹ đang ngồi trước mặt, đang kể về những năm tháng đau khổ trong đời. Mẹ kể chuyện cho người mới gặp lần đầu, sao có vẻ tin cậy đến thế? Phải chăng vì từ lâu không có ai lắng nghe bằng tất cả tấm lòng, hay vì sợi dây tình cảm thiêng liêng đã rung lên thành điệu nhạc vô thanh? Nhìn mẹ say sưa nói mà nội tâm Sư đang bị đấu tranh bởi hai tư tưởng trái ngược: Bên nầy là tình cảm thông thường, Sư muốn ôm chầm lấy mẹ, khát khao hít đầy lồng ngực mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ. Bên kia là trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu, muốn độ mẹ hiền qua biển khổ sinh tử. Nếu hôm nay Sư nhận mẹ, đưa mẹ về chùa phụng dưỡng, thì tình cảm mẹ con sẽ khiến bà sinh tâm chiếm hữu, ỷ lại và khinh mạn đối với chư Tăng. Mẹ vẫn còn tâm chúng sinh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước; như thế thương mẹ mà vô tình làm hại mẹ. Còn nếu không nhận mẹ con, để mẹ cứ mãi cô đơn nơi quán nước hiu quạnh, thì chẳng hóa ra bạc bẽo tàn nhẫn lắm sao? Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, Sư có thể gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp, mà mẹ không tổn phước khi sử dụng của tín thí đàn na.
Sư trầm tư suy tính. Chợt một ý nghĩ lóe lên. Ngài mỉm cười tự nhủ: "Phải, cần phải làm như thế". Nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ, Ngài dịu dàng hỏi:
- Này cụ, cụ có muốn theo tôi về nương cửa Phật chăng?
Bà cụ không tin vào tai mình:
- Bạch cụ, cụ dạy gì con không rõ?
Sư thương cảm nhắc lại từng tiếng:
- Bà cụ muốn theo tôi về chùa chăng?
Bà cụ mừng rỡ thốt lên:
- Được thế thì còn gì bằng? Nhưng… bạch cụ, con già yếu thế nầy, đâu thể làm công quả cho nhà chùa được ạ?
Sư vỗ nhẹ vào tay mẹ:
- Bà cụ đừng lo. Người khỏe có việc của người khỏe, người già yếu khắc có việc cho người già. Bà cụ ở chùa, sớm hôm niệm Phật, biết đâu nhờ Phật độ trì mà sớm tìm gặp con mình. Để tôi về chùa bạch cùng chúng Tăng, nếu được chấp thuận, tôi sẽ đến đây đón cụ.

Từ đó, bà cụ về ở am tranh nhỏ sau chùa. Không ai biết bà là mẹ của Hòa thượng trụ trì, ngay cả bà cũng không ngờ mình đang sống cạnh người con yêu quý. Sáng nào Sư cũng đến thăm bà, hỏi han sức khỏe, nhắc bà niệm Phật. Việc công quả hàng ngày, Sư phân công bà nhặt hoa lá rụng trước am, khỏe làm mệt nghỉ. Công việc bà thích nhất là nhặt hoa sứ. Cây sứ lâu năm trồng phía trước am tranh của bà, hoa nở trắng cây thơm ngát. Bà nâng niu từng đóa, chọn những hoa còn tươi rửa sạch, đặt vào hai bát sứ. Một bát bà dâng cúng Phật - bức tượng Đức Phật Di-Đà mà Sư đã đưa đến tặng bà. Bát hoa thứ hai, bà để trên bàn dành biếu Sư. Mỗi lần đến, Sư đều ngồi trên chiếc ghế trên bàn, nâng bát hoa sứ bằng hai tay, nhìn thật lâu vào những cánh hoa, sau đó mỉm cười cảm ơn bà cụ.

Không nói ra nhưng bà cũng biết Ngài trân trọng tấm lòng của bà đối với Ngài. Chỉ có thế cũng đủ làm bà cụ vui suốt ngày. Bà ôm ấp niềm vui ấy khi làm việc, khi ăn cơm, khi nghỉ ngơi và cả trong khi ngủ. Theo lời dặn của Sư, lúc nào bà cũng cầm trên tay chuỗi hạt bồ đề do Sư tặng, tay lần chuỗi miệng niệm thầm Lục tự Di-Đà. Khi làm việc, bà mang chuỗi vào cổ tay. Như thế, xâu chuỗi hạt theo bà như hình với bóng.

Đối với bà, đó là vật quý báu nhất đời vì tiếp xúc với nó, bà luôn luôn gần gũi với Đức Phật và với Hòa thượng trụ trì - người vừa có tình thầy trò vừa có một tình cảm nào đó thật lạ mà bà không dám phân tích. Bà chỉ muốn cố gắng làm vui lòng Hòa thượng bằng cách vâng theo thật đúng, thật siêng năng những lời chỉ bảo của Ngài. Mà Ngài có nói gì nhiều đâu, chỉ dặn dò luôn nhớ niệm Phật, ăn ngủ điều độ, chớ lo nghĩ buồn phiền. Cũng thật lạ, từ khi về nương dưới mái chùa, mỗi ngày được Sư đến thăm dù chỉ giây lát, bà tự nhiên thấy mình vô cùng hạnh phúc. Nỗi nhớ mong đứa con lưu lạc từ lâu nặng trĩu, bây giờ bỗng tiêu tan đâu mất.
Trước đây, mỗi khi trời chập choạng tối là bà cảm nhận sự cô đơn quạnh quẽ hơn bao giờ hết. Bây giờ cảm giác ấy không còn, thay vào đó là sự bình ổn của thân tâm. Đêm đến, bà rửa mặt sạch sẽ, đến bàn thờ Phật thắp một nén hương. Bà không biết khấn vái gì nhiều, chỉ dâng lên Đức Phật lời cảm tạ chân thành vì đã ban cho mình niềm vui được sống và tu dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng. Bà cầu nguyện Đức Phật phò hộ độ trì cho Hòa thượng mạnh khỏe sống lâu để làm lợi ích cho nhiều người. Sau đó, bà ngồi xếp chân trên chiếc giường tre, lần chuỗi niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà. Khi đã mỏi, bà nằm xuống nhẹ nhàng thảnh thơi đi vào giấc ngủ.

Ngày tháng êm đềm trôi qua. Nhờ Hòa thượng cùng chư Tăng bổn tự, bà cụ đã được an vui trong tuổi xế chiều, được đầy đủ về vật chất trong giới hạn của người tu, được thấm nhuần Phật pháp và tu hành theo giáo lý nhà Phật. Bà cụ đã biết gạt bỏ phiền não, rửa sạch tập khí, tịnh tu ba nghiệp, một lòng niệm Phật cầu được vãng sanh. Có thể nói, đây là giai đoạn hạnh phúc sung mãn nhất trong đời bà.

Một buổi sáng, bà cụ bỗng lên cơn sốt, đầu nhức mắt hoa, tay chân rũ liệt. Sư đến thăm như thường lệ, thấy thế vội lấy nước bà uống, xoa bóp tay chân bà rồi tự mình xuống bếp, nấu cho bà bát cháo giải cảm. Bà cụ, tuy lòng áy náy vì sự chăm lo ấy của Sư, nhưng tận sâu xa của cõi lòng người mẹ vẫn thấy vô cùng sung sướng. Bà nhớ ngày xưa, có lần bà bị mệt, đứa con nhỏ thân yêu của bà cũng quấn quýt săn sóc bà như thế. Có cái gì nửa lạ nửa quen nơi vị Hòa thượng khả kính nầy, bà đã cảm nhận từ lâu nhưng không dám lộ ra. Vả lại, mọi người đều rất tốt đối với bà. Họ ân cần đối xử thăm nom bà như một bà cụ làm công quả, một bà cụ cô đơn được chùa cưu mang. Và bà thì có mong điều gì hơn thế, luôn tỏ lòng cung kính biết ơn đối với chư Tăng, đặc biệt sâu sắc biết ơn Hòa thượng trụ trì đã từ bi ban cho mình những ngày tháng cuối đời thật bình an đầy đủ.

Người già như ngọn đèn cạn dầu, chỉ cần một cơn gió nhẹ là lịm tắt. Bà cụ từ trẻ đến giờ, nhờ Trời tuy lam lũ nhưng ít đau ốm nặng. Lần này, chỉ một trận cảm xoàng nhưng sao bao nhiêu sức lực trong người hầu như cạn kiệt. Toàn thân bà ê ẩm, rét run từng cơn, môi khô miệng đắng. Mọi việc thuốc thang chăm sóc, Sư đều tự tay làm một cách chu đáo tận tình. Nhiều lần bà cụ vừa khóc vừa thưa cùng Sư:
- Bạch cụ, xin cụ hãy để mặc con, con khắc tự mình làm được. Cụ chăm con thế nầy, con e tổn phước lắm ạ.
Sư dịu dàng nói:
- Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Bà cụ chỉ có một mình, không con không cháu, tôi thay con bà lo cho bà cũng được, có sao đâu?
Đại chúng biết chuyện, vừa thương bà cụ vừa xót cho Sư, nên đưa một nữ Phật tử đến, bạch rằng:
- Kính bạch Thầy, vị nữ thí chủ nầy có hoàn cảnh rất tội nghiệp, chồng con đều mất, không nơi nương tựa, xin đến chùa ta làm công quả. Chúng con kính trình Thầy, xem có thể nhờ nữ thí chủ đây chăm sóc bệnh tình bà cụ được chăng?
Bằng đôi mắt u ẩn, Sư nhìn người đệ tử, nhìn sang người phụ nữ đang chấp tay cúi đầu. Ngài trầm ngâm giây lâu, sau mới bảo:
- Thôi được, cứ để nữ thí chủ đây ở chung với bà cụ, hôm sớm có nhau. Hai ngày nữa, Thầy có việc đi xa vài hôm. Bệnh tình bà cụ không biết sẽ như thế nào, tuổi già… thật khó lường trước được. Mọi việc ở nhà, Thầy nhờ các chú lo liệu cho. Có điều… nếu bà cụ qua đời, các chú hãy thay Thầy làm đủ lễ cho chu tất, nhưng đừng đậy nắp áo quan. Đợi Thầy về sẽ tính. Thầy sẽ cố thu xếp công việc sớm, xong lúc nào Thầy về ngay lúc ấy.

Trước khi ra đi, Sư đến am tranh ngồi với bà cụ rất lâu. Không biết Sư nói với bà những gì, trấn an bà thế nào, nhưng khi Ngài đứng lên từ giã, bà cụ đã để rơi những giọt nước mắt hạnh phúc tột cùng. Bà đã trải qua những giây phút an lạc. Đã được sống trong hào quang của chư Phật, đã trọn vẹn tin tưởng rằng khi trút hơi thở cuối cùng, bà sẽ được vãng sanh. Cái chết đối với bà giờ đây như chuyến đi xa hứa hẹn nhiều điều kỳ thú, và bà bình thản chờ đợi nó. Có điều, bà hơi băn khoan, không biết Hòa thượng có trở về kịp để tiễn đưa mình không. Thật là lạ trong những giờ phút sau cùng của cuộc đời, bà lại ít nhớ đến đứa con lưu lạc của mình, mà chỉ nghĩ về Hòa thượng như một nơi nương tựa vững chắc, một dây liên kết giữa mình và Tam Bảo.

Bà nhớ câu chuyện cổ tích kể về cô gái nghèo nhờ Bụt hóa phép trở thành người đẹp nhất và hạnh phúc nhất trần gian. Hòa thượng có thể là hiện thân của Bụt, Ngài thương xót hoàn cảnh nghèo khó neo đơn của bà nên đến với bà bằng tấm lòng từ bi - ban vui và cứu khổ.

Hòa thượng đi rồi, đại chúng phân công nhau hàng ngày trợ niệm cho bà cụ. Bà không mở mắt nổi, thở yếu dần nhưng tai vẫn nghe, ý vẫn duyên theo từng tiếng niệm Phật. Những hình ảnh dĩ vãng lần lượt hiện về, từ thuở nhỏ mồ côi đến khi lấy chồng sinh con, nhất là thời gian bốn mươi năm đằng đẳng lang thang tìm kiếm đứa con mất tích. Bà thấy rõ đời mình quá nhiều đau khổ mà chẳng có mấy niềm vui.

Chỉ từ lúc gặp Hòa thượng, được nương nhờ cửa Phật, bà mới biết thế nào là hạnh phúc. Nhờ Hòa thượng chỉ dạy, bà hiểu rằng do bao đời trước bà đã tạo nhân xấu, nên kiếp nầy bà phải nhận quả khổ. Bà không còn oán trách người, một lòng niệm Lục tự Di-Đà nguyện khi chết được vãng sinh về Tây phương Cực-Lạc, nơi có Đức Phật A-Di-Đà và Bồ-tát Quán Thế Âm. Làng xưa của bà có một ngôi chùa nhỏ, trước sân chùa là bức tượng Mẹ hiền Quán Thế Âm cầm tịnh bình và nhành dương liễu. Gương mặt mẹ thật dịu hiền, đôi mắt từ ái nhìn bà mỗi khi bà đến chấp tay cung kính lễ. Chỉ cần nhìn gương mặt ấy, đôi mắt ấy, bà đã thấy trong lòng ấm áp, bao nhiêu buồn đau hận tủi tự nhiên vơi nhẹ đi nhiều.
Nghĩ đến Mẹ hiền Quán Thế Âm, đến Đức Phật A-Di-Đà, tâm bà cụ chợt lắng xuống, chỉ còn hiển hiện sáu chữ Nam mô A-Di-Đà Phật tràn đầy khắp không gian, lồng lộng đất trời. Bà đột nhiên thấy mình rơi vào một đường hầm sâu hun hút, và cuối đường hầm ấy là một vùng ánh sáng chan hòa rực rỡ. Và kìa! Đức Phật A-Di-Đà và chư Thánh chúng hiện ra rõ ràng trước mắt bà, lung linh trong vòng hào quang chói lọi. Vị Bồ-tát đứng bên phải Đức Phật cầm một hoa sen hé nở, tỏa hương thơm ngát. Bồ-tát Quán Thế Âm đứng bên trái, hình dáng quen thuộc với tịnh bình và nhành dương liễu. Ngài mỉm cười với bà, phẩy nhẹ cành dương về phía bà. Lập tức, bà cảm nhận những giọt nước mát thấm đượm vào từng lỗ chân lông, người thấy nhẹ nhàng thanh thản lạ lùng. Bao nhiêu đau đớn của thể xác tự nhiên biến mất, bà như ngợp đi, như hòa tan vào trong vùng ánh sáng huyền diệu của chư Phật Bồ-tát.

Một mùi hương nhẹ nhàng ở đâu tỏa ra khắp phòng. Mọi người nhìn nhau thầm hỏi. Bà cụ vẫn nằm đó, gương mặt rạng rỡ bình an như đang trong giấc ngủ say không mộng mị. Một âm thanh nào trên cao khi gần khi xa, thoạt có thoạt không, thánh thoát du dương chưa từng có trong đời. Bà cụ ra đi an lành thanh thản quá đỗi, như đã rũ sạch mọi trần lao phiền não, mọi gánh phiền não của suốt mấy mươi năm trả nợ trần gian.

Những việc hậu sự cho bà cụ được chư Tăng và Phật tử bổn tự thực hiện chu đáo, theo lời dặn của Hòa thượng trước đây. Bà cụ được tẩm liệm, được đặt vào chiếc áo quan chưa đậy nắp, luôn có người bên cạnh hương khói tụng niệm suốt ngày đêm. Tất cả mọi người, kể cả bà cụ trong quan, đều như mong ngóng Hòa thượng trở về.

Và Ngài đã về, hai ngày sau khi bà cụ mất. Vừa đến chùa, chưa kịp rửa mặt, Sư đã vội đi qua am tranh. Từng bước chân chánh niệm theo công phu từ lâu hành trì, nay gấp gáp hơn. Biết tâm hơi xao động, Sư vội hít vào sâu thở ra dài vài lần. Trở về với tâm an nhiên, Ngài bước vào ngưỡng cửa. Mẹ Ngài như trong giấc ngủ, gương mặt vẫn tươi, nụ cười như đang phảng phất trên môi. Tưởng chừng chỉ cần Sư lên tiếng gọi, bà sẽ mở mắt ra, cười với Ngài một nụ cười móm mém và hồn nhiên như trẻ nhỏ.

Thắp nén hương trầm cắm vào bát hương còn nghi ngút khói, Sư chậm rãi từng bước đi quanh quan tài bà cụ ba vòng. Đại chúng đang tụ tập trước am, ngạc nhiên từng cử chỉ lạ lùng của Hòa thượng. Chẳng ai hiểu vì sao một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng mà lại có thái độ thành kính khác thường đối với bà cụ không họ hàng thân thích. Từ khi bà cụ về đây, Ngài không chỉ ban cho bà sự thông cảm, bao dung, mà còn có cái gì ân cần, quan tâm đặc biệt. Cho đến hôm nay, thấy Ngài đi nhiễu quanh bà cụ ba vòng bằng những bước chân tuy nhẹ nhàng nhưng có vẻ trầm tư, câu hỏi "Phải chăng có mối liên hệ nào giữa Hòa thượng và bà cụ?" từ lâu âm ỉ chợt dấy lên trong tâm đại chúng.

Có lý nào…
Tiếng Sư vang lên làm mọi người giật mình lắng nghe:

- Đức Phật từng dạy: "Một người tu đắc đạo, cửu huyền thất tổ sinh thiên". Nếu quả thật lời nầy không hư dối, xin Tam Bảo chứng minh cho lời nguyền của đệ tử: Chiếc quan tài nầy sẽ bay lên hư không!

Hòa thượng vừa dứt tiếng, chiếc quan tài bỗng như có một lực đẩy, từ từ nâng lên cao, sát mái am tranh, lơ lửng. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng mặt nhìn lên trong một niềm kính ngưỡng tột cùng. Mắt Hòa thượng sáng ngời, an trú trong giây phút hiện tại tuyệt vời, một giây mà đằng đẵng thiên thu.

Tâm hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung như đóa sen tỏa hương tinh khiết, tuy vô hình mà bất diệt, tuy vô thanh mà tràn ngập âm hưởng diệu kỳ, tuy vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.

Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ - bây giờ đã rõ là thân mẫu của Hòa thượng trụ trì - tươi nhuận rạng rỡ. Mùi hương lạ lại tỏa ra phảng phất quanh nhà. Mọi người đứng bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc ngàn năm chưa dễ có.

Nơi quán nước ngày xưa của mẹ, Sư lập một ngôi chùa đặt tên là Mại trà lai Tự. Am tranh mẹ từng ở có tên là Dưỡng mẫu Đường, sớm chiều khói hương nghi ngút.

Hòa thượng để lại cho đời một tấm gương đại hiếu sáng ngời muôn thuở.

Ngài là Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711), đời vua Lê Hy Tông, thuộc tông Tào Động, quê ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Chính Ngài, bằng phương tiện thiện xảo, đã giúp nhà vua cải ác tùng thiện, quay về với Phật pháp. Đối với triều đình và môn đồ, Ngài là Thiền sư Tông Diễn; nhưng đối với dân chúng, Ngài là Hòa Thượng Cua - cái tên dân dã mộc mạc nhưng thật gần gũi thân thương.

Hình ảnh Ngài trong lòng mọi người, đẹp đẽ chói ngời muôn thuở, không phải là hình ảnh của vị Thiền sư, càng không phải của một tu sĩ được vua ban chức Ngự Tiền Chi Quân và áo gấm. Đó là hình ảnh của một bậc chân tu tốt đời sáng đạo, vừa tu hành có kết quả vừa lo tròn chữ hiếu đối với mẹ già một cách vượt thường đầy trí tuệ.
Chúng ta ôn chuyện người xưa để tự nhắc mình một tấm gương đại hiếu sáng ngời.

Không chỉ Ấn Độ mới có chuyện Đức Mục-Kiền-Liên, Xá-Lợi-Phất; không chỉ Trung Hoa mới có chuyện 24 người con hiếu thảo, mà ở Việt Nam ta cũng có những câu chuyện thật đã làm cảm động lòng Trời. Hòa thượng Cua đã lo cho mẹ những ngày cuối đời hạnh phúc, lại độ mẹ được vãng sanh về cõi lành. Còn chúng ta, đã báo hiếu cho cha mẹ những gì khi các Người còn sinh tiền và khi đã khuất bóng? - Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, không kể xuất gia hay tại gia, đều tự mình suy gẫm và tìm cách trả lời.
Khuyết danh

MỘT BÀI VIẾT RẤT HAY - LIÊN QUAN ĐẾN THẦY THÍCH TÂM MẪN

MƯU BẨN?

THÙY LINH
Người Tây Tạng bái lạy trong lúc đi hành hương
Hơn tuần nay dư luận ầm ĩ chuyện “đệ tử” của thầy Thích Tâm Mẫn cư xử côn đồ với những người đi đường trong thời gian thầy thực hiện tâm nguyện nhất bộ nhất bái từ thành phố Hồ Chí Minh ra đến Yên tử, nơi phát nguồn trường phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Mình đọc trên FB có rất nhiều sự nghi ngờ, lên án và dè bửu không chỉ bản thân thầy Thích Tâm Mẫn như là “sư quốc doanh”, “sư hổ mang”…Và đáng sợ hơn là nhiều người không tiếc lời nói xấu về đạo Phật, Phật pháp, nghi ngờ các bậc chân tu và chính đạo Phật. Ngay từ đầu mình đã có một niềm tin không thối chuyển về thầy Thích Tâm Mẫn và hành trình gian nan, vất vả của thầy trong mấy năm qua.
Nếu ai đã từng thực tập cách lạy Phật của người Tây Tạng thì sẽ hiểu gian nan của sự phát nguyện này. Mình đã từng tới Bodhgaya và tận mắt chứng kiến những bậc chân sư hành hương đến nơi Phật Thành đạo bằng hình thức tam bộ nhất bái. Cũng đã thấy từng đoàn các vị sư Tây Tạng tới chiêm bái và lạy Phật nơi đây. Trong lúc các quí thầy và các Phật tử khác thong dong thiền hành quanh Tháp Đại giác ngộ, thì các vị sư Tây Tạng vất vả như đang thực hiện một môn thể thao nặng. Trước đây mình đã thử lạy kiểu này và chỉ được 10 cái là phải dừng nghỉ. Để quì lạy như vậy là một hành động không hề dễ dàng, nhất là trên quãng đường xa, trong điều kiện thời tiết thất thường mưa nắng. Mình thực sự kính trọng và khâm phục thầy Thích Tâm Mẫn khi thầy đã làm được một việc tưởng như không thể. Ai không tin cứ thử quì lạy theo cách Tây Tạng sẽ hiểu thế nào…Cho nên:

-Nếu đây là “màn trình diễn” như nhiều người nói thì thật hồ đồ. Liệu có ai bỏ thời gian, công sức, và đáng nói nhất là sự kiên trì bất thối chuyển với sự khổ sở, mệt mỏi, vất vả vô chừng từng ấy năm? Mình tin không ai có màn "trình diễn" đỉnh cao như vậy. Chỉ có các bậc chân tu dành trọn đức tin và sức lực của mình cho con đường quí thầy đã chọn mới có thể thực hiện được. Chỉ có đức tin mãnh liệt mới mang đến cho quí thầy một nghị lực phi thường để làm một hành trình chưa từng có ai làm nổi ở Việt Nam.
-Nếu quí thầy là người chỉ cốt thực thi “nhiệm vụ” nào đó được giao phó thì càng không thể. Đây là nhiệm vụ “bất khả thi” trên phương diện thông tục. 
-Nếu chính quyền thực sự vì đạo pháp, hay ít ra vì sự nghiêm minh của pháp luật hoàn toàn có thể ngăn chặn hành vi bạo lực của đám du côn này. Chính quyền hoàn toàn có thể (và phải làm vì trách nhiệm) để giải đáp sự hoài nghi và dư luận xấu xôn xao trong nhân dân. Nhưng họ đã không làm. Vì sao? Các bạn có thể hình dung và tự trả lời phần nào nỗi nghi vấn của mình rồi...
Vậy nên:
-Mình hoài nghi và hoàn toàn không tin những kẻ dẹp đường, đánh người là những “đệ tử” của thầy Thích Tâm Mẫn. Họ nhân danh để làm một việc không trong sáng. Còn tại sao họ mượn danh để làm một việc kỳ quái và thất đức như vậy thì hạ hồi phân giải. Thầy đang trong hành trình phát nguyện và nhất tâm thực hiện tâm nguyện đó nên đừng yêu cầu thầy cư xử như một người bình thường là tự bào chữa cho mình. Chữ Nhẫn thầy đang dùng hữu hiệu vừa là giúp thầy hoàn thành sứ mạng cao cả do thầy tự lựa chọn, vừa tránh những qui kết (rất có thể xảy ra) nếu thầy bỏ dở chừng, đôi co với họ như những người tầm thường chúng ta hay lựa chọn trong trường hợp này.
-Mình hoài nghi và tin là có kế hoạch mờ ám đứng đằng sau những kẻ bặm trợn này. Vì sao họ làm như vậy và vì sao lại cư xử kỳ cục như vậy thì sau này sẽ sáng tỏ?
Thật kinh khủng khi ai đó trong nỗi bất lực đã lựa chọn phương pháp đối xử như vậy với một bậc chân tu. Họ đã phỉ báng không chỉ thầy Thích Tâm Mẫn mà còn phỉ báng đạo Phật. Họ có biết đã làm một việc tội lỗi lớn nhất mà đạo Phật khuyên nên tránh, là phá hoại đạo pháp, tăng đoàn? Họ có biết cái quả đắng nào đang chờ họ ở phía trước không?
Xin những ai chưa rõ ngọn ngành đừng nên vội chỉ trích, chê bai, thóa mạ…hay có những hành động phụ họa với mưu đồ đen tối của một thế lực đen tối nào đó?
Xin mọi người hãy tin nhân quả và đừng tạo nghiệp ác hay khẩu nghiệp.
Xin cám ơn!
PS/ Mình đang định post bài viết này thì thấy trên FB có bài của Paulo Thành Nguyễn chia sẻ. Mình biết bạn là người công giáo nhưng bạn đã lên tiếng vì chính nghĩa. Những Phật tử như mình xin nợ bạn một lời cám ơn sâu sắc. Xin post lên để bạn bè tham khảo.
Hành trình phát nguyện của Đại đức Thích Tâm Mẫn có “yêu quái” cản đường?
Sự việc những người “đệ tử” Đại đức Thích Tâm Mẫn đánh bể đầu người dân lại một lần nữa làm “nóng” dư luận trong mấy ngày qua. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh  hành trình vạn dặm “ một bước, một lạy” của vị sư này.Trong sự việc trên, đa số các ý kiến là phê phán theo cảm tính dựa trên hiện tượng.
Đại đức Thích Tâm Mẫn là ai?
  
Đại đức Thích Tâm Mẫn tên thật là Lê Minh sinh ngày 6-10-1977 tại Quảng Nam, nguyên là một bác sĩ chuyên khoa, ông quyết định xuất gia, tu học tại chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn từ năm 2004.
Năm 2009 ông quyết tâm thực hiện chuyến hành nguyện bắt đầu từ mồng 2 tết từ Sài Gòn đi Yên Tử (Quảng Ninh) hơn 1800 km.
Mỗi ngày ông đi 3 ca, sáng từ 03h - 06h, từ 08h - 10h, chiều từ 15h - 17h., trung bình đi được 2km. Về lý do thì ông xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết ông vừa hành hương vừa cầu nguyện cho Quốc thái dân an.
Phương pháp lễ lạy hành hương này vốn quen thuộc đối với phật tử ở Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Ðộ, nhưng còn khá lạ lẫm với người Việt Nam nên hành trình của thầy Tâm Mẫn kéo theo nhiều sự hiếu kỳ và lời đồn thổi gây lo ngại là ông sẽ tự thiêu sau khi đến đích (!?).
“Chơi nổi”,  đó là từ mà những người phản đối dùng để chỉ trích ông, họ cho rằng hành động của ông để gây sự chú ý. Ngoài ra họ còn cho rằng việc làm của ông gây ảnh hưởng đến giao thông, làm mất trật tự xã hội, rằng có khi có người mải nhìn mà gây tai nạn thì ông đã tạo nghiệp chướng.
Những người ủng hộ ông phản biện lại rằng nếu chỉ muốn nổi tiếng thì ông chỉ cần đi từ chùa Hoằng Pháp đến Bến Thành là đã tạo được sự kiện, làm sao phải chọn cách gian khổ như thế. Bộ hành vạn dặm đòi hỏi một ý chí , sự kiên nhẫn và nghị lực rất lớn, vượt lên mọi ham muốn thông thường. Họ cho rằng, điều này tạo nên một sự cộng hưởng của những trái tim nhân ái, giúp cho mọi người trong xã hội bớt đi sự vô cảm và sống tốt với nhau hơn.
Anh Nguyễn Văn Phi, một người dân Khánh Hòa đã theo chân ông suốt 15 ngày cho biết : “ anh đã từng ứa nước mắt khi nhìn Thầy “nhất bộ nhất bái” qua địa phận Khánh Hòa. Anh trở về nhà với những suy nghĩ khôn nguôi về một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Theo kinh điển của Đức Phật thì làm người rất khó. Gặp một vị sư đi 1 bước lại vái lạy dọc từ Nam ra Bắc thì quá khó, rất ít người làm được. Điều đó khiến tôi rất ngưỡng mộ, chắc là nhiều đời mới có một người. Mình sinh ra gặp được người như vậy mà không đi cùng được thì thật là tiếc”
Anh cho biết thêm: “dọc đường đi có rất nhiều lần trời đang nắng gắt lại đổ mưa rào. Nhiều người sẽ tránh mưa nhưng thầy vẫn đi, đó là động lực để mọi người cùng bước tiếp. Việc có tiếp tục đến Yên Tử thì không ai dám nói trước, nếu biết được tương lai thì đã thành thánh nhân rồi.
Mỗi đoạn đường theo Thầy đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều sướng khổ ở đời, khi đã hiểu thì càng thấy tâm hồn thanh thản hơn”.(1)
Những “đệ tử đi” theo là ai?
Cùng đi với ông có hai “đệ tử” được cử đi theo xách hành lý. “Chú tiểu” ném nón cối ở Quảng Bình có tên là Nhuận Hải, có thông tin nghi ngờ rằng đó là một Trung úy, làm việc tại phòng công tác chính trị PX15 của sở công an TP.HCM.  Và việc có những thái độ tục tĩu và hành hung người dân là cố tình biến hành trình “nhất bộ nhất bái” của thầy thành một trò hề tôn giáo.
Theo như những người ủng hộ ông cho rằng hành trình này đã làm cho chính quyền (CQ) lo ngại vì nó thu hút sự chú ý của nhiều người dân, dễ gây ra tình trạng mất kiểm soát, nên có lẽ họ (CQ) phải dùng nhiều thủ đoạn để ngăn chặn.
Một người lấy tên Trần Sơn trên trang youtube cho biết: “Thầy đã từng bị bọn "côn đồ tự phát" đánh đập thành thương tích. Thầy phải gián đoạn cuộc hành trình hơn 2 tháng , nằm viện tại bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi đỡ, thầy lại tiếp tục lên đường. Biết là không ngăn nổi chuyến hành hương của thầy , thì chúng làm một thủ đoạn đê tiện là làm xấu hình ảnh thầy trong con mắt dân chúng (như đã thấy trong video trên ). Đến mỗi địa phương nào, chúng cũng cử ra một vài tên lưu manh , ăn mặc giả làm người nhà Phật , theo tháp tùng thầy , bọn này chuyên có hành vi rất côn đồ, hung hãn, cốt làm xấu mặt thầy. Ai phản ứng lại bọn này, bọn công an nhảy vào cuộc ngay, "Mời" tất cả về đồn. Bọn chúng đang tìm mọi cách ngăn không cho thầy đi đến đích.
Tôi dã chứng kiến tận mắt cảnh thầy qua địa phận cầu Bến Thủy. Thầy lặng lẽ vừa đi vừa bái. Đệ tử đi theo thì có 2 , 3 người ( có một cô đứng tuổi nói giọng Nam Bộ). Phật tử người địa phương dắt xe máy, xe đạp, đi bộ đi theo khoảng gần trăm. Nhưng dẫn đường lại là một người đàn ông lùn, mặc áo nâu ngắn (giả đệ tử) tay cầm dùi cui, vung lên loạn xạ, miệng chửi thề tục tĩu, ra vẻ dọn đường cho thầy đi .” (2)
Một sự việc khác diễn ra vào ngày 02/6/2012 trong hành trình đến Ninh Bình, khi rất đông phật tử và người dân Tam Hiệp, chờ sư Thích Tâm Mẫn đến thuyết pháp tại chùa Trung Sơn. Trước đó người dân đã khó hiểu vì sự xuất hiện của rất nhiều công an sắc phục.
Khi sư Mẫn đến thì 10 phút sau đó mọi người được thông báo là buổi thuyết pháp không được phép diễn ra theo yêu cầu từ phía chính quyền. Một bạn có nick rubi dona cho biết “ Rất nhiều phật tử đã khóc khi không được nghe thầy ban pháp nhũ. Nhìn thầy con thấy một " đường tăng " trên đường thỉnh kinh đi qua các nước láng giềng không được vua nước nọ đón tiếp.
A di đà phật! trên con đường tu tập gặp rất nhiều trông gai và thử thách đó coi như là 1 kiếp nạn mà thầy , đệ tử và phật tử phải trải qua”. (3)
Theo triết gia Immanuel Kant thì “ Một ý định tốt không phải do những gì nó tác động hay thực hiện. Nó tốt trong chính bản thân nó, cho dù có thành công hay không. Ngay cả nếu ý định này thiếu quyền năng để đạt đến mục đích; nếu đã nỗ lực tối đa vẫn không thực hiện được bất cứ điều gì cả…thì nó vẫn sẽ tỏa sáng như một viên ngọc quý vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy đủ”.
Hành trình vạn dặm này căn bản là một ý định tốt đẹp của một người tu - hành. Việc chúng ta đón nhận nó bởi tự thân nó đã là điều tốt chứ không do những yếu tố bên ngoài tạo nên.
Hầu như rất ít người hiểu rõ tường tận sự việc mà chỉ biết việc này qua một số sự kiện được thông tin trên mạng. Tôi cho rằng giáo hội Phật giáo nên tìm hiểu rõ sự việc trên vì người liên quan chính đến sự việc là một nhà sư, một Phật tử. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của giáo hội Phật giáo.
Dưới đây là những gương mặt tự nhận là "đệ tử" của thầy Thích Tâm Mẫn. Họ là ai, nhận nhiệm vụ từ ai chắc sau này sẽ có câu trả lời:




(1) http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Hanh-trinh-cam-dong-cua-vi-su-nhat-bo-nhat-bai/20126/218026.datviet
(2) http://www.youtube.com/watch?v=koNSl6brIQ8
(3)http://www.youtube.com/watch?v=LtBDlN-kkNU&feature=related
19.8.2012
Paulo Thành Nguyễn

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

PHẢI LÀM GÌ ?? Giả dối lên ngôi

Giả dối lên ngôi

Alan Phan
Từ A đến Z
Qua bài “Lạm bàn về căn bệnh dối trá tại Việt Nam”, Giáo sư Trần Kinh Nghị từ Hà Nội đề cập tới điều có thể nói hài hước – nhưng chua chát – rằng “ở Việt Nam mọi thứ đều giả, chỉ có dối trá là có thật!”
Một nhà giáo dục luôn quan tâm cho vận nước, dân tộc là GS Hà Văn Thịnh từ Huế cảnh báo rằng tình trạng giả dối ở Việt Nam giờ lan tỏa từ “A đến Z”, khi cảnh nhiễu nhương, tự tung tự tác đang hoành hành xã hội Việt Nam:
Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.
GS Hà Văn Thịnh:
“Trong bản chất xã hội Việt Nam có sự giả dối, vô cảm, ích kỷ, sự tàn nhẫn. Đó là tất cả những gì biểu hiện của văn hóa Việt Nam hiện nay. Nói ra chẳng ai thích đâu. Nhưng đó là sự thật. Vì sao? Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được.”
Theo GS Trần Kinh Nghị, thì dối trá thoạt nghe qua cũng chỉ là một thói đời không mấy tốt đẹp vốn nhan nhản trong xã hội loài người, nên người ta dễ tưởng rằng “không có gì nguy hại lắm”. Nhưng, khi “Lạm bàn về căn bệnh dối trá ở Việt Nam”, GS Trần Kinh Nghị không khỏi lưu ý rằng “Ở Việt Nam bệnh dối trá có những đặc thù riêng”. Những “đặc thù riêng” ấy là như thế nào ?
 Tác giả giải thích:
“Nó bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua nhiều biến cố lịch sử với những phong trào thi đua và những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, nhân văn giai phẩm v.v… khiến xã hội bị xáo trộn, lòng người đảo điên. Những thời kỳ kinh tế khắc khổ cũng khiến con người ta trở nên bon chen và thủ đoạn. Tất cả tạo nên lối sống và tư duy phức tạp, thường mang tính hai mặt, nói và làm không đi đôi với nhau.”
Căn bệnh trầm kha
Vẫn theo GS Trần Kinh Nghị, thói “làm thì láo, báo cáo thì hay” cùng thói “chạy theo thành tích” vốn phát xuất từ thời XHCN ở Miền Bắc đã góp phần làm trầm trọng thêm căn bệnh dối trá ở Việt Nam hiện nay, và đã trở thành “căn bệnh trầm kha bám sâu rễ trong toàn xã hội đến độ ai không biết nói dối, không biết làm ẩu và không biết ‘ăn theo nói leo’ thì không thể tồn tại”.
Và tác giả báo động rằng tệ nạn bè phái, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan trên khắp quê hương hiện nay cũng có nguyên nhân sâu xa từ căn bệnh dối trá ấy, để từ đó, sinh sôi và dung dưỡng cho “những kẻ bất tài, vô đạo đức nhưng thích làm quan”.
Nhà văn Nguyên Ngọc qua bài “Cần một cuộc tự vấn” đã thẳng thắn đề cập tới “một trạng thái chán chường sâu sắc và mênh mông về đạo đức xâm chiếm mọi con người”. Theo cái nhìn của nhà văn Nguyên Ngọc thì tâm trạng chán chường trước sự sa sút về đạo đức ấy phát sinh từ một “căn bệnh” cứ “vây kín quanh mình”“va vào đâu cũng gặp” dưới “mọi kiểu trắng trợn hay tinh vi”, đó là sự giả dối.
 Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích:
“Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?”

Đang thống trị xã hội

Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng không tránh khỏi âu lo khi căn bệnh giả dối ấy “đang thống trị xã hội” Việt Nam, mà chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thiếu trung thực của nền giáo dục nước nhà: Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo:
“Sự giả dối tồn tại ở xã hội Việt Nam lâu rồi. Ngay trong lãnh vực giáo dục, ông phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách các mặt văn hóa-giáo dục cũng khẳng định là tình trạng thiếu trung thực trong giáo dục là bệnh lớn nhất tại VN.
Mà giáo dục là gì? Giáo dục là dạy cho con người trở thành người. Nó dạy cho con người phải có đạo đức. Mà cái đầu tiên của đạo đức là chân thật. Giả dối thì trái ngược lại, là phản giáo dục. Vừa rồi nhà bác học toán học Hoàng Tụy cũng vừa viết một bài rất hay góp ý cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tái cấu trúc xã hội
Theo GS Hoàng Tụy thì không thể nào tái cấu trúc xã hội. Bởi vì tái cấu trúc là những bộ phận rời. Nhưng toàn bộ hệ thống đã hư, đã sai rồi, thì phải thay đổi cả hệ thống mới cải tạo được xã hội hiện nay. Hiện sự giả dối đang thống trị xã hội chúng ta.”

Cả một hệ thống

Cách nay chưa lâu – tức hồi cuối năm ngoái, vào một buổi chiều cuối năm, khi “giá rét và nỗi buồn… tràn ngập tâm hồn khiến nỗi lòng chùng xuống”, TS Nguyễn Xuân Diện đã phóng bút bài “Chiều cuối năm nhìn lại”, qua đó ông không quên lưu ý tới “những vụ giết người cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc án, quyết liệt” hơn.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng có cái nhìn tương đồng về việc xã hội Việt Nam ngày nay – mà theo lời ông, “xuống cấp chưa từng thấy”:
“TS Nguyễn Xuân Diện nói thế là chính xác bởi vì điều đó có rất nhiều người đã khẳng định rồi. Ngay cả nghị viên Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc cũng nói rằng thế hệ chúng ta là thế hệ mất gốc. Mà mất gốc là mất những giá trị tốt đẹp của Việt Nam.
Còn xã hội Việt Nam hiện nay, về mặt đạo đức, xuống cấp chưa từng thấy. Tình trạng này đầy tràn những mặt báo “lề phải”: Ngày nào cũng cướp, cũng giết, cũng có những tội phạm xã hội khủng khiếp. Nó tràn lan, không còn là hiện tượng riêng lẻ, mà cả hệ thống như vậy rồi.”
Nếu ngày xưa – cách nay hơn một thế kỷ – nhà thơ Trần Tế Xương than phiền và báo động tình trạng xã hội VN lúc đó suy đồi về đạo đức, khi:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
thì ngày nay, tình hình đạo đức sa sút ngày càng trầm trọng trong nước đang gây bất an, trăn trở triền miên cho những người có tâm huyết với quê hương.
Lời bình của Alan:
Một bạn BCA gởi tôi bài viết trên đăng trên BBC cách đây vài tháng để xin tôi câu bình luận. Thực tình, tôi không chắc là mình có được sự hiểu biết sâu rộng về xã hội này cũng như một góc nhìn khách quan để đánh giá một vần nạn có thể nói là nghiêm trọng và căn bản trong sự vận hành của một quốc gia.
Tôi xin dành sân chơi này cho các bạn: những người con của tổ quốc đang trải nghiệm trong môi trường; đang có những băn khoăn bức xức (hay đang an hưởng hạnh phúc); muốn nhìn thấy một Việt Nam khác biệt (hay vẫn như thế); và có một tình yêu quê hương sâu đậm (hay makeno).
Tôi xin đề nghị vài câu hỏi.
  1. Sự giả dối có lan tràn từ A đến Z hay không? Hay chỉ là cục bộ và không trầm trọng đến vậy?
  2. Đây có phải là một vấn đề cơ chế cần tái cấu trúc toàn bộ? Hay có thể sừa sai từng phần?
  3. Nếu sự xuống cấp của xã hội quá tồi tệ thì bản thân và gia đình bạn sẽ chịu đựng và tốn tại như thế nào? Trong bao lâu?
  4. Yếu tố nào đã gây nên những hệ quả này: dân trí, kinh tế, lịch sử hay thể chế?
  5. Bạn có thể tạo cho mình một ốc đảo thanh bình giữa những nhiễu nhương?
Let the game begins…trong những ngày hè lười biếng và nóng nực.
Alan