Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Thê thảm một miền quê...




Ba ngày sau tôi lại nghe kể về một tai nạn của nghề biển đáng thương lại cũng rơi vào một người ở gần nhà ông Phụng( khanh) đã chết cách 3 ngày trước.
Thương thay : Lối nhỏ trăng xanh tháng chạp
                        Mộ quê vừa mới vun bồi (*)
                        Cuối năm kíếm tiền đón tết
                        Thân già bỏ mạng biển đông.
                                Tiếng kèn giữa đêm ai oán
                                Đàn bầu thương giọng nam ai
                                Trời xanh hởi trời có thấu
                                Khổ đau dân biển ngàn đời...
Đám tang của ông Giàu (đã hơn 70 tuổi) người vừa mới bị tai nạn khi đang làm mành ruốt chèo đêm rằm tháng chạp chôn cất ma chay trong ngày rất nhanh chóng. Người ta nói ông chết nhằm ngày tốt nên chôn cất nhanh trong ngày. Tuy nhiên đám tang càng làm cho người ta bàn tán xôn xao thương tiếc. Trong 3 ngày hai người ở gần nhà chết tương đối giống nhau là vì nồi cơm, bát gạo, vì manh áo, vì bánh trái, bột đường chuẩn bị trong ba ngày tết. Cuộc sống của ông có thể nói là khó khăn hết sức khó khăn... đã vậy những năm cuối đời ông lại phải tiễn vợ xuất gia theo đời khất sĩ. Bà đã nương cửa Phật cũng thấp thoát đã gần 10 năm có lẽ. Vì quá khổ con cái ông cũng không phụng dưỡng tuổi già, đã hơn 73 tuổi mà ông vẫn còn đi biển mành ruốt chèo mùa đông để đắp đổi mưu sinh.
Mành ruốt chèo vũng nồm quê tôi một loại mành rất đặt thù ít nơi nào có được. Dọc theo mép gành vòng cong về hướng bắc có một vũng cong cong nằm trên đường kinh trong nước cuồn cuồn chảy. Bởi vậy bờ vũng nhỏ này là nơi khi con ruốt xuôi dòng cuộn vào trú ẩn, ông cha từ xa xưa đã đặt tên là Sủng Đựng như là nơi chứa ruốt, cá vậy. Đến mùa ruốt đêm khoản từ tháng 10 đến tháng giêng những xuồng chèo vào mùa đánh bắt. Mỗi nghề có 2 xuồng chèo gọi là Xuồng tới, xuồng lui. Khi đánh mành thì đánh theo vòng cung rồi gạn dần chì lên, ánh sáng là những chiếc đèn măng xông từ thời Pháp được thắp lên có ruốt cá thì gom cả vào ánh đèn. Có đêm mỗi nghề trúng biển vài ba chục triệu, nhưng cũng có khi chỉ chia phần vài con cá đủ ăn qua ngày. Khổ cực là thế sóng biển mùa đông dâng cao vài mét, rồi hụp xuống vài mét trôi lên hụp xuống vô thường. Chỉ với tay chèo không thôi hàng đêm, hàng đêm họ đúng là những anh hùng trên sóng nước.
Ấy vậy mà cụ ông hơn 73 tuổi vẫn miệt mài nghề này đã vài chục năm, tuổi trẻ như chúng tôi bái dài kính phục.
Kinh nghiệm ông có thừa nhưng có lẽ tuổi đã già không còn nhanh nhẹn, cũng có khi nghiệp lực buột ràng đã định sẵn ở mỗi con người là vậy... một tối định mệnh dây chì đã vướng vào chân ông khi đang đánh lưới cuốn ông xuống biển. Áo tơi mưa liền quần chống lạnh nhưng cũng chính là tác nhân làm vướng víu khi đã chìm xuống biển. Ông vùng vẫy như kình ngư thoát ra được nhưng rồi đuối sức chìm dần, trên thuyền nhiều người lặn xuống đưa ông lên, nhưng rồi một đi không trở lại... Vĩnh biệt ông trong niềm thương tiếc, sự ra đi nào cũng đau thương, nhưng có lẽ thương ông nhất là cuối đời vẫn đau đáu với miếng cơm manh áo... cuộc đời sao lắm trớ trêu, kẻ vung tiền làm nghèo đất nước lại được vinh danh, người vì chính cả miếng ăn bỏ mạng lại không có gì đánh thấy xót hay saoooooooooooo???
Thành kính nguyện cầu hương hồn ông thảnh thơi miền đất Phật.
Nam mô tiếp dẫn đạo sư A DI ĐÀ PHẬT.
Thê thảm sanh nghề tử nghiệp ở Nhơn Lý quê tôi.
                                                                                                                                                   Tri nguyen 

( Phấn 1)
Tiếng khóc cuối năm thêm não nề làng quê tôi xao xác thê lương. Con đường hẻm nhỏ của xóm cũ Lý Chánh đi vào hướng nhà Thầy Văn ( thầy giáo ngày xưa lũ chúng tôi ngày trước 1975 ai cũng học). Hai đám tang cách nhau 3 ngày đều do tại nạn nghề nghiệp trên biển. Tôi nghe qua mà xốn xang gan ruột, thương thay người dân biển quê tôi nghiệp lực buột ràng suốt đời lam lũ.
+ Một đám tang ngày 13 tháng chạp ÂL2012.
Cứ vào những ngày cuối năm sau khi qua những đợt gío mùa đông bắc lạnh, mưa, sóng biển. Khi cái nắng ấm lên, gành đá dọc theo bờ biển ngập tràn rong mứt, những người sống nghề câu cá gành thuyền thúng lại cả ngày lênh đênh dọc theo những mẻ rạng hòn sẹo, balố... câu cá Đỏ củ, cá Ngân. Những cơn sóng vẫn bất chợt rình rập theo ngọn đá gà làm chìm thúng vẫn thường xảy ra tai nạn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên người dân quê tôi vốn cang trường xem sóng gió nhẹ tựa như không, nhiều cái chết thương tâm của nghệp đời sanh sát.
Những 2 năm trước thì Ông Đ đi ăn Mứt bị sóng cuốn ra biển bị đuối nước chết cũng vào dịp cuối năm khi tuổi gần bảy chục. Năm nay thì lại nghe ông Phụng ( tên thường gọi Phụng Khanh) nhà ở trong hẻm xóm vào nhà Thầy Văn. Nghe bà con nói lại nguyên nhân thì không rõ lắm, chỉ biết hôm đó có 2 nhà bị mất thúng bơi úp trên bờ kè trước biển vũng Nồm vội đi tìm kiếm, thì phát hiện một chiêc thúng đã bị nước ngập hơn nữa thúng trôi dạt gần bờ. Trên thúng ông Phụng gụp đầu toàn thân lạnh cứng ngoắc. Sau khi đưa thúng vào bờ thì ông đã chết tự bao giờ và không biết chính xác nguyên nhân. Nhưng nhìn chung và theo sự suy đoán của những người thường hành nghề câu thuyền thúng, rất có thể ông bị sóng đá gà làm chìm thúng rơi xuống biển. Với kinh nghiệm đi biển lâu năm ông đã leo lên được và cố tát nước ra khỏi thúng và bơi bằng tay vào bờ vì lúc này có thể đã mất chiếc dằm trong khi bị sóng đánh chìm. Thường thì trường hợp này rất bình thường nhiều người nhanh trí tự cứu được mình, nhưng với điều kiện bình tỉnh và sức khỏe tốt. Thương thay cho ông tuổi đã lớn 63 tuổi ( tuổi hưởng già) với lại sức khỏe yếu bệnh tất thường xuyên nên bị mất sức đuối mà chết. Cũng còn may cho gia đình ông vẫn còn thấy xác và chôn cất an toàn âu đó cũng là chút phước duyên cuối đời an ủi.
Câu hỏi đặt ra liệu ở quê hương Nhơn Lý thân yêu của tôi có bao nhiêu người già phải đánh đổi sinh mạng mình trên biển để tìm kế sinh nhai ??? Ấy vậy mà đài báo lúc nào cũng tiến tới DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH...
+ Đám tang thứ 2 cách 3 ngày sau cũng trong chính con hẻm này, cũng chết vì tai nạn trên biển : thương thay....
( kỳ 2 sẽ đăng sau nhé mình bận tí )

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

MÙA XUÂN TRONG TA

Mùa Xuân Cho Ta


Hòa thượng Thích Thái Hòa   
( theo Thư viện Cổ Pháp )

Một người không có mùa xuân ở trong trái tim và không có mùa xuân tinh khôi ở trong cách nhìn, thì họ sẽ không bao giờ có khả năng tự tín để tạo ra được một sinh lực mùa xuân cho chính họ. Một mùa xuân đầy sinh lực, hồn nhiên, tin yêu và vô sự.
Mùa xuân tự tín là mùa xuân tự tin rằng, chính bản thân mình có khả năng tiếp nhận những cái không phải là mình, để tinh lọc và tạo ra được sức sống cho chính mình, và chính sức sống ấy, khẳng định được sự hiện hữu của mình giữa các mùa xuân, hạ, thu, đông và muôn vật.
Xuân là tinh khôi và hồn nhiên, vì xuân đã có khả năng lọc đi những gì cực đoan và phiến diện của cuộc sống. Mọi bận rộn, gay gắt, vồn vã, chạm trán, đầy thách thức và oi bức đối với cuộc sống, xuân đã lọc ra và trả lại cho mùa hạ; những kinh nghiệm thoáng qua, những vui buồn trầm lắng, những ước mơ tế nhị, những cảm xúc đằm thắm, xuân đã lọc ra và trả nó lại cho mùa thu; những u buồn hoài niệm, những than thân, trách phận, những bất lực khi đối diện với cuộc sống, xuân đã lọc ra để trả nó lại cho những cái băng giá của mùa đông.
Nên, những gì cần trả lại cho thời gian của các mùa không phải là của xuân, thì xuân đã trả lại một cách đầy đủ và hoàn tất, vì vậy xuân chỉ còn lại tinh khôi của nó. Cái tinh khôi rực sáng, cùng khắp, khi trời đất chưa biến động, khi âm dương chưa tương ngộ để phân kỳ.
Xuân tinh khôi là xuân hoàn toàn thảnh thơi với chính mình và là hải đảo an toàn cho chính mình nương tựa và cho những ai, những loại nào cần muốn nương tựa nơi xuân để có chút thảnh thơi và an lạc, khi chạm trán với nắng hạ, khi nhìn những chiếc lá ngô đồng rơi, báo hiệu thu về và khi trực diện với băng giá da diết của trời đông.
Nếu xuân không tinh khôi, không thảnh thơi, không vô sự, thì lấy gì để gọi là xuân nhỉ! Xuân tinh khôi, vì xuân là khởi điểm của sự sống; Xuân thảnh thơi, vì xuân không có gì để bận rộn; Xuân vô sự, vì xuân không có điều gì cần phải tính toán, vì những điều đáng làm xuân đã làm xong. Tuy, xuân tinh khôi, nhưng mọi người và muôn vật đều ái nhiễm với xuân; xuân tuy hiện hữu trong vô sự, nhưng mọi người và muôn vật đều bận rộn với xuân; xuân tuy hiện hữu hồn nhiên, nhưng mọi người và muôn vật đối với xuân đều có tác ý.
Do tác ý, nên con người đã bận rộn với xuân và đã làm cho môi trường của xuân ô nhiễm, khiến cho môi trường của xuân trở nên chén chị, chén em, chén đen, chén đỏ, chén hơn, chén thua. Họ bận rộn với những thứ đó đến nỗi, họ đã làm cho mùa xuân nơi họ không còn, khả năng tin yêu, vui sống và vươn lên, nơi họ tự biến mất. Đời sống còn lại đối với họ, chỉ là những mưu cầu, tính toán, hơn thua, thắng bại, khiến cho họ từ những bận rộn nầy dẫn sinh những bận rộn khác, ngay cả những bận rộn trước khi Xuân đến, trong khi Xuân đến và sau khi Xuân đã bị ẩn chìm trong nắng Hạ.
Xuân vẫn có đó và vẫn luôn luôn có đó cho ta, nhưng tâm ta đa đoan, đa đoan với hơn thua, với được mất, với khen chê, với vinh nhục, với lợi hại, nên mắt ta bị quáng gà, ta vui buồn với những ảo giác, ta gánh trên vai cả một trời Xuân, với chân cao, chân thấp, dong ruỗi tìm Xuân khắp cả bốn mùa và khắp cả tám hướng, mười phương, chẳng khác nào những chú Lạc đà chở những bệch nước cam lồ trên lưng, mà đôi mắt cứ đăm nhìn và rượt đuổi theo những làn sóng nắng gợn nước trước mặt.
Ta nên nhớ rằng, Xuân không nằm về phía trước để cho ta chờ mong hay rượt đuổi; Xuân không hề lùi lại phía sau để cho ta tiếc thương hay hoài niệm; Xuân không nằm về phía trái, phía phải để cho ta phải nhọc công cong bên nầy, quẹo bên kia, mà Xuân chính là sự sống tinh khôi, đầy tin yêu, hồn nhiên và vô sự trong ta. Một sự sống, mà mọi hạt giống sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ, tham đắm, hận thù, cố chấp nơi tâm hoàn toàn yên lắng, nhường lại không gian tâm thức thênh thang, cho những hạt giống Trí tuệ và Từ bi; Bao dung và Hỷ xả kết thành hoa trái.
Khi không gian tâm thức của ta đã hoàn toàn lắng yên mọi tác ý đối với xuân, thì mùa Xuân đích thực sẽ hiện ra cho ta, và Xuân cùng ta hiện hữu. Xuân là ta và ta là Xuân.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Kiến Thức - Thời: Bài lịch sử đức Phật Thích Ca tóm tắt nhất

 Kiến Thức - Thời: Bài lịch sử đức Phật Thích Ca tóm tắt nhất


Chân dung Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm ngài 41 tuổi
 
I/ NIÊN ĐẠI VÀ THÂN THẾ:
Đức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm 623 BC (trước TL  - BBT)[*] tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ  La Vệ) khoảng 15 cây số, nay là xứ Ruminidhehi thuộc quận hạt Aiuth, phía nam xứ Nepal và phía đông Rapti. Song thân ngài là Quốc vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Maya (Ma Da). Thuộc dòng dõi Sakya (Thích ca). Vua Suddhodana trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời Himalaya (Hy mã Lạp Sơn) nằm phía đông-bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Népal. Địa điểm thủ phủ này nay được nhận ra là Bhulya trong quận Basti, cách Bengal 3 cây số nằm vào hướng tây-bắc nhà ga xe lửa Babuan.
Bên tán cây asoka (vô ưu) che rợp mát, sắc mầu tươi sáng, hương thoáng nhẹ bay, Hoàng hậu Maya đã hạ sinh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời đã nhanh chóng lan truyền trong dân chúng. Tất cả các thần dân trong vương quốc đều vui mừng khôn xiết.
Ngày đản sinh Thái tử, khắp Kapilavastu cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; chim hót reo vang, hào quang tỏa sáng khắp nơi nơi. Đó là ngày hội của toàn Vương quốc. Đạo sĩ già tên Asita (A Tư Đà) ẩn tu trên dãy núi Hymalaya người được kính nể nhất về đạo hạnh đã đến chào Thái tử với thái độ hết mực cung kính, rồi cười và lại khóc. Được hỏi, đạo sĩ trả lời, ông cười mừng vì Thái tử có 32 tướng tốt, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả và với lòng từ bi thương xót chúng sinh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian này. Lời tiên đoán làm cho đức vua Suddhodana lặng lẽ không vui. Trong lễ đặt tên, Vua đặt tên con là Siddhattha (Sĩ Đạt Đa – Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ Đàm) với hàm ý là kẻ phải giữ chức vụ mà mình phải giữ, còn có ý nghĩa là người được toại nguyện; mọi điều đều đạt thành tựu. Ý nhà Vua là muốn gửi gắm tất cả vương quyền của mình vào đứa con yêu quý này.
Hoàng hậu Maya qua đời sau 7 ngày hạ sinh Thái tử, vì thế sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì ruột (em ruột Hoàng hậu) tên là Maha Pajapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề).
II. ĐỜI SỐNG CỦA THÁI TỬ TRƯỚC KHI XUẤT GIA:
     1/ Đời sống và giáo dục của Thái tử:
Thái tử Siddhattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lĩnh vực văn chương và võ thuật. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương đại với những phương pháp đặc biệt. Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ thuật là Ksantidiva (Sàn Đề Đề Bà) và về văn học là Visvamistra (Tỳ Sa Mật Đa La) phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự thông minh đĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh bao la của Ngài.
Càng yêu thương quý nến con, vua Suddhodana lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ Asita. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, Vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại ngai vàng. Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa ưu tư của người có ý chí xuất trần. Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc, chân thật, mà là lừa dối, mê muội, chỉ làm cho cuộc sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử. Để đứa con yêu không có thời gian mà nghĩ đến ngày xích lại với quyết định xuất gia, khi Thái tử tròn 16 tuổi, Vua Suddhadana vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái tử với Công chúa của một nước láng giềng là Yosodhara (Da Du Đà La) con của vua Suppabuddha (Thiện Giác), một trang quốc sắc thiên hương với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái tử ở lại với ngai vàng.
      2/ Tiếp xúc khổ đau nhân thế:
Nhận ra bốn tướng khổ ở đời: Một hôm nhân ngày lễ Hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cấy cầy. Cảnh xuân mới nhìn qua thấy thật là đẹp mắt, nào hoa lá tốt tươi, muôn chim đua hót, nào bầu trời quang đãng, gió xuân phơi phới... cảnh tượng có vẻ thái bình, an lạc lắm. Thế nhưng, tâm hồn Thái tử đã nhìn sâu thẳm vào trong cảnh tượng với sự xét đoán sâu sắc, không hời hợt và đã đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ và an vui như khi mới nhìn qua. Ngài thấy người nông phu với con bò làm việc cực kỳ vất vả dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Ngài nhận thức rõ ràng sự sinh sống là rất khổ.
Một hôm khác, ngài đến cửa Đông, ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt đờ, tai điếc, lưng còng nương gậy từng bước ngập ngừng như sắp ngã.
Đến cửa Nam, Thái tử thấy một người bệnh đau khổ nằm trên cỏ, đang khóc than rên xiết, đau đớn vô cùng.
Đến cửa Tây, ngài nhìn thấy cái thây nằm chết trương lên giữa đường, ruồi nhặng bu đầy, trông rất ghê tởm. Ba cảnh khổ, già, đau chết này cộng với cảnh tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã nhận thấy khi đi xem cày ruộng làm cho ngài đau buồn,thương xót chúng sinh vô cùng.
Một hôm khác nữa, ngài ra cửa Bắc gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Tiếp chuyện cùng Đạo sĩ ung dung, tự tại mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát. Thái tử Siddhattha quyết định thoát khỏi ngục vàng tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn, một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi đau và bất hạnh của cuộc đời người và hướng tới an lạc.
Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến ngài không vui: Công chúa Yosodhara vừa hạ sinh một Hoàng nam. Thái tử đã thốt lên rằng: “Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã được sanh ra”. Nhân câu nói này mà Quốc vương Suddhodana đã đặt tên cháu là Rafhula (La Hầu La).
III. SỰ TỪ BỎ VĨ ĐẠI:
Với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sinh chìm đắm trong bể khổ, một đêm, sau khi đến trước phòng nhìn lại lần cuối người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc ngủ, ngài cùng nô bộc Channa (Xa Nặc) dắt con tuấn mã Kantaka (Kiền Trắc) vượt thành ra đi.
Ra ngoài, ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người bệnh tật, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người đang căm hờn oán giận… mà là sự hy sinh từ bỏ của một Hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là sự từ bỏ, hy sinh cao cả và vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu! Năm ấy Thái tử vừa tròn 19 tuổi (Theo Nam truyền Phật Giáo, Thái tử xuất gia năm 29 tuổi).
IV. QUÃNG ĐƯỜNG TU HÀNH - TẦM ĐẠO:
Thái tử ra đi với bộ quần áo màu vàng giản dị của người Tu sĩ, sống cuộc sống không nhà cửa người xuất gia, ly tục ly trần, không nơi cố định. Đi trong nắng cháy, đi trong mưa rơi, trong sương gió lạnh lùng. Xiêm y từ tốn, chỉ có vài mảnh vải vụn rập lại. Tài sản duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật, Thái tử dành hết thời gian cho sự tầm cầu thiền định quyết tìm ra sự thật tối hậu.
Ngài đến thành Vương Xá học với các vị tu tiên nơi rừng Bạc Già, tu theo khổ hạnh sau sẽ được lên cõi trời thành Tiên, Thánh. Ngài nghĩ đây chưa phải là đạo chân chính giải thoát.
Thái tử Siddhanha đã tới Bắc thành Tỳ Xá Ly thụ giáo Ông A La Ra - Ka La Ma Tu về số luận ngộ, chuyển nhiếp tâm vào định sơ thiền sau này hình vào cõi trên vô tướng giải thoát (Vô sở hữu xứ định). Ngài thấy đây cũng chưa phải là đạo giải thoát nên lại tạ từ ra đi.
Ngài gặp Ông Uất Đầu Lam Phất, chuyên dạy các sự chấp có hình tướng và không có hình tướng chỉ lĩnh hội cái nhiệm mầu (Phi phi tường xứ). Biết rằng đây cũng vẫn còn trong vòng sinh tử, ngài lại ra đivà thế là không còn ai để ngài học đạo nữa.
V. SÁU NĂM KHỔ HẠNH:
Thời ấy, Ấn Độ còn có truyền thống và niềm tin rằng người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh. Thái tử liền đi đến Uruvela, một thị trấn của Senani và cùng với năm anh em Ông Kodanna (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Đề), Vappa (Đề Bà), Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) bắt đầu cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến sáu năm và dẫn đến kết quả là thân thể ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm không còn đi đứng được nữa…
Ở đây, qua thực nghiệm ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc Đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác, mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi con người và không thể dựa vào một tha lực nào khác.
Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Sujata (Su Dà Ta) dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Năm người bạn đồng tu cho rằng ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Benares (Ba La Nại).
VI. THÀNH ĐẠO:
Còn lại một mình, ngài đến ngồi dưới gốc cây Pippala (Tất bát La, sau này gọi là cây Bodhi - Bồ đề), ngài đã ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề và với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào Sơ thiền (thời niên thiếu trong buổi lễ Hạ điển Ngài cũng đã một lần vào cõi thiền này), Nhị thiền, Tam thiền và lần lượt nhập lên Tứ thiền sau đó hướng tâm đến Tam Minh. Với trực giác, ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.
Ở canh một Ngài chứng Túc Mệnh Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình.
Sang canh hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sinh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sinh.
Qua canh ba, ngài quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau và con đường đưa đến đoạn tận của khổ đau (Lậu Tận Minh).
Sau cùng, ngài chứng đắc quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, trở thành vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp. Lúc ấy sao Mai vừa mọc và danh hiệu Đức Phật Gotama, Đức Phật Thích Ca Nâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy!
 VII. ĐỨC PHẬT ĐI TRUYỀN ĐẠO:
Lúc đầu ngài ngần ngại vì sợ đạo của ngài sâu xa khó hiểu, sau ngài mới ứng dụng đem đạo Phật ra giáo hóa chúng sinh, ngài đến vườn Lộc Uyển, thuyết bài pháp đầu tiên về 4 Đế.
Về sau ngài giáo hóa cho nhiều môn đệ:
- Cảm hóa 3 anh em Ông Kassapa (Ca Diếp) - Giáo chủ thần lửa.
- Moggallana (Mục Kiều Liên) - Đệ nhất thần thông.
- Sariputta (Xá Lợi Phất) - Đệ nhất trí tuệ.
- Vua Tần Bà Ta La xứ Ma kiệt Đà.
- Nan Đà.
- Annada (A Nan).
- A Na Luật Đà.
- Ưu Bà Ly.
- Di mẫu Maha Mujapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) Gotami xuất gia (người phụ nữ đầu tiên được vào Giáo Hội).
- ...
- Subhadda (Tu Bạt Đà La) là người đệ tử chót của đời ngài.
Đức Phật thuyết pháp và đi giáo hóa được 49 năm, độ cho hàng vạn ức đệ tử, không phân biệt.
VIII. ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN:
Vào ngày rằm trăng tròn tháng hai (15/2), ngài biết mình sắp nhập Niết Bàn liền đến xứ Câu Ly, vào rừng Xa Nại, ngài họp các đệ tử lại giảng dạy, khuyên bảo lần cuối để ngài từ giã mọi người. Ngài nhập Niết Bàn và hưởng thọ 80 tuổi.
Trước lúc viên tịch, ngài phú chúc ông Ca Diếp thụ lãnh y bát của ngài để truyền đạo.
                                                                            Nguồn: Viện R.I.A.F.R
Nguyễn Ngọc Sơn - Viện Trưởng.
oOo
[*] Về niên đại các thời điểm trong lịch sử đức Phật Thích Ca tại các tài liệu có những dị biệt. Tại Việt Nam trước đây, Viện Hóa Đạo GHPGVNTN sau khi lập Hội Đồng tra cứu, đối chiếu và đã thống nhất công bố áp dụng một tài liệu, mà theo đó thì:
Đức Phật (tức Thái tử Tất Đạt Đa lúc bấy giờ) sinh năm 624 trước Tây lịch; kết hôn năm 17 tuổi (607 trước TL); xuất gia năm 19 tuổi (605 trước TL); 5 năm hỏi đạo (605- 600 trước TL); 6 năm khổ hạnh (600-594 trước TL); thành đạo lúc 30 tuổi (594 trước TL); 50 năm hóa đạo (594- 544 trước TL); từ 30 tuổi đến 80 tuổi và năm Ngài nhập diệt là năm 544 trước TL. (Phật lịch bắt đầu tính từ thời điểm này). Chú thích của BBT Thư Viện GĐPT Online.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

CẨN THẬN KHI SÀI HÀNG TRUNG QUỐC

Lổn ngổn sinh vật lạ trong quần áo

Số sinh vật lạ này bị ép khô trong quần áo, khi gặp nước thì “sống” dậy

Sự việc được phát hiện vào trưa 13-1, khi bà Nguyễn Thị Phụng (55 tuổi, ngụ thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa - Phú Yên) ngâm xà phòng giặt bộ đồ mới mua cho con gái ở chợ Hạnh Lâm (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa - Phú Yên) với giá 115.000 đồng. “Vừa ngâm xong, bất ngờ trong bộ quần áo bỗng hàng ngàn con vật giống như con đỉa bò lổn ngổn lên mặt nước, bò lên cả trên tay tôi. Tôi hoảng hồn bỏ chạy” - bà Phụng run giọng kể.
Bộ quần áo lổn ngổn sinh vật lạ giống như đỉa của bà Phụng
Nhiều sinh vật lạ giống đỉa trong bộ quần áo may sẵn do bà Nguyễn Thị Phụng
(huyện Phú Hòa - Phú Yên) mới mua về. Ảnh: HỒNG ÁNH
Cũng theo bà Phụng, khi mua bộ quần áo này, con gái của bà cứ nghĩ các mối chỉ may không khéo nên bề mặt xù xì, không ngờ đấy là do các sinh vật lạ bị ép khô trong vải. Sau khi đổ thau nước giặt ấy đi, bộ quần áo không còn xù xì nữa. Theo ông Ngô Đình Thi (chồng bà Phụng), với kinh nghiệm làm nông hơn 40 năm của mình, ông thấy sinh vật lạ này giống như loài đỉa. “Nhưng nó lớn rất nhanh đẻ cũng rất nhanh. Chỉ sau một ngày đêm, từ con vật bằng đầu que tăm lớn gần bằng đầu đũa và đẻ trứng màu trắng hình bầu dục” - ông Thi cho biết.
Sau khi lấy bộ quần áo ra ngoài, bà Phụng đã dùng thuốc diệt muỗi và thuốc diệt cỏ đổ vào thau nước đang dày đặc loài sinh vật này nhưng quái lạ là chúng không hề chết. Sau khi đổ loài sinh vật giống như đỉa xuống một cái hố do nhà bà mới đào, bà Phụng phải thuê thợ xây bê tông bịt kín miệng hố.
Sau khi phát hiện sinh vật lạ trong quần áo may mặc sẵn, gia đình bà Phụng  trình báo chính quyền địa phương. Công an và Trạm Y tế xã Hòa Quang Nam đã cử cán bộ đến kiểm tra và lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. “Trông sợ lắm, nó chỉ dài khoảng 1,5 cm, đường kính khoảng 1,5 mm nhưng dày đặc, có cả năm sáu ngàn con. Nếu là lăng quăng thì nó búng khi di chuyển, còn đây nó gập người rồi dãn ra để di chuyển giống như đỉa” - ông Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Công an xã Hòa Quang Nam, cho biết.
Bác sĩ Phạm Tấn Lập, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, cho biết chiều 16-1, trung tâm này đã gửi mẫu sinh vật lạ phát hiện trong quần áo may mặc sẵn đến Sở Y tế tỉnh Phú Yên để kiểm nghiệm nhằm xác định đấy là loài sinh vật gì . Trong khi đó, sự việc giờ đây đã xôn xao cả huyện Phú Hòa. Đặc biệt, chợ Hạnh Lâm, nơi bà Phụng mua bộ quần áo “nhiễm” sinh vật lạ, đã vắng hoe, không bóng người đến mua hàng quần áo. “Chợ Tết mà vắng như chùa Bà Đanh. Chưa biết loài sinh vật ấy là gì nhưng người dân lo sợ, không ai dám mua quần áo may sẵn nữa” - chị Nguyễn Thị Kiều Chinh, một người bán hàng quần áo ở chợ Hạnh Lâm, buồn rầu. Ông T.C.H (chồng bà V. - người bán bộ quần áo nói trên cho bà Phụng) cho biết số quần áo này nhà ông mua ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa.
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH
( Nguồn báo : người lao động)