Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

PHẬT BÀ QUAN ÂM HIỂN LINH


PHẬT BÀ QUAN ÂM HIỂN LINH


Thư mục: CHÙA PHƯỚC SA

PHẬT BÀ QUAN ÂM HIỂN LINH
Xin ngược dòng thời gian về lại năm Kỷ Mùi 1919, đức Phật Bà Quan Âm hiển thị lồi lên từ giồng cát trắng tại quê nhà Phước Lý. Trải qua bao đời Phật ngự tọa ở chùa quê Phước Sa cổ tích, mấy lần bị trộm khiêng đi nhưng không đem được ra khỏi làng, rồi lại trở về nơi Phật bà hữu duyên hiển lộ. Tượng Phật bà ở chùa Phước Sa là một trong những tượng Phật cổ còn lưu giữ ở Bình Định có tuổi cổ hơn 400 năm.
( xin mời xem bai

Phước sa - chùa quê nhiều huyền tích

Tôi còn nhớ như in rằm tháng 6/ 2006  Thầy trụ trì chùa Phước Sa đời thứ 4 Thích Đồng Tín thỉnh tượng Phật bà lên đất chùa bà, nơi đầu tiên chùa Phước Sa xây dựng 1921( nằm trên triền núi phía trên, cách đất chùa hiện tại khoảng 20m) để tịnh tu, cầu Đức Phật bà chứng minh Thầy phát đại nguyện tái thiết toàn bộ ngôi cổ tự Phước Sa đã hư nát qua bao năm nắng mưa bão biển. Cầu chư Phật gia hộ tạo nhiều thuận duyên cho đại nguyện chóng thành. Khi việc làm của Thầy không được sự cảm thông của những người có chút công lao với chùa, thường cho mình có công có đức. Họ đã miệt thị chê bai Thầy, họ lập bè lập nhóm tạo lắm chông gai ma chướng bủa vây, như để thử lòng người tu sĩ. Chướng ngại Sư Tử Trùng qua đi, Thầy càng nung nấu quyết tâm tái thiết lại toàn bộ ngôi chùa.
Có lẽ phước duyên đã chín muồi, hay một lần nữa đức Phật Bà Quan Âm dẫn lối. Mọi chuyện trơn tru, lòng người phật tử đồng tâm nhất trí. Cả làng hân hoan góp của, góp công cúng dường trùng hưng tái thiết. Khi nhận được giấy phép xây dựng của chính quyền cho phép, cũng là lúc con đường đất của bờ kè chắn sóng đang thi công đổ tới chân chùa. Thật là thuận lợi, nhân đó mà lao công gánh đất đá, xi măng vận chuyển lên sân chùa giảm nhiều lần khó nhọc.
Hạnh phúc nhất là chúng tôi trong ban tái thiết, đã hữu duyên gặp được một nghệ nhân. Mọi việc ở đời không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà như đã kết duyên từ kiếp trước. Anh Tám Hữu – Như Trí một phật tử thuần thành người gốc Bình Định. Tôi gặp anh đã hơn 3 năm  khi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử tại chùa Minh Tịnh ở đường Hàm Nghi TP Quy Nhơn. Lúc này chùa Minh Tịnh đang xây dựng dang dỡ. Nhìn lối kiến trúc có hệ thống có phong cách tôi ngưỡng mộ nên hỏi thăm người thiết kế, mới biết ra anh một người thợ bình thường không bắng cấp, nhưng đã kinh qua nhiều năm kinh nghiệm xây dựng những chùa lớn như chùa Minh Thành ở Gia Lai một chùa có lối kiến trúc đẹp có tiếng của Đông Nam Á. Khi mời anh về chùa Phước Sa để xem qua phong cảnh và xem bản vẽ kiến trúc anh không muốn đi vì đang bận xây tháp cho chùa Minh Tịnh chưa xong. Qua mấy lần mời gọi anh đã về chùa Phước Sa nhìn non nước hữu tình, chùa mọc bên sườn núi, cảnh sóng biển trời mây như tranh vẽ, bất chợt làm anh ngất ngây. Với nhiệt tâm người Phật tử có đủ tài hoa anh đã quyết định cùng Ban tái thiết trợ duyên cho Thầy tái thiết xây dựng chùa Phước Sa thành một Tòng lâm phật tích để lại cho đời một kiệt tác để không phụ công sức của đàn na tín chủ cúng dường.

Chỉ mới gần 7 tháng mà phần cốt chánh điện đã hoàn thành, cùng với những hạn mục khác như : Tượng Phật Di Lặc, Dinh Tiêu Diện, phá dỡ mặt bằng đào móng Tháp chuông & đặt biệt nhất là chuẩn bị xuống móng Quan Âm Phật Đài cao 12m theo sự ứng mộng hiển linh của Phật bà cho một tín chủ ở miền nam về cúng dường xây dựng. Nhân đây xin viết vài lời thông tin chia sẽ cùng quý bà con đọc giả về niềm vui đầy huyền diệu này.
Vào một buổi chiều gần ngày rằm tháng 10 trời mưa như trút nước, thợ xây đang hom tô tầng mê vì không thể làm ngoài trời. Có 2 người trẻ tuổi một gái, một trai dáng người nhỏ nhắn quần áo ướt sũng vì mưa quá lớn dầu đã mặc áo tơi mưa. Anh con trai hỏi thăm thầy trụ trì xin được gặp. Hôm đó thầy đi cúng ở xa không về được nên anh Tám Hữu thợ cả tiếp khách, và được biết ý nguyện của gia đình là muốn cúng dường tượng Phật lộ thiên, muốn gặp thầy để bàn bạc. Quý bác trong ban xây dựng chỉ biết hẹn lại ngày mai thầy về rồi thưa chuyện sau.
Sáng hôm sau trời tạnh mưa, hửng nắng, hai tín chủ lại đến chùa Phước Sa một lần nữa để gặp Thầy trụ trì. Qua câu chuyện kể của 2 anh chị làm cho cả chùa rộn lên tính huyền diệu của sự linh ứng hóa thân của đức Phật Bà Quan Âm hiển lộ.
Cô con gái có vóc người nhỏ nhắn da ngăm ngăm, tuổi khoảng độ hăm hai. Cô có cặp mắt sáng ngời long lanh, tiếng nói khỏe khoắn lảnh loát. Cô gốc người Hoa kiều họ Châu tên Ngân hiện đang ở Sài Gòn. Còn anh Trai là anh rể lớn của cô tháp tùng để đi tìm nơi mà Phật Bà chỉ hướng. Tôi cũng được hân hạnh trực tiếp ngồi tiếp chuyện và nghe cô Ngân kể về câu chuyện huyền diệu này.
Khoảng độ vài tháng trước trong một lần ngồi thiền tịnh niệm, Cô Ngân cứ nghe văng vẵng bên tai, con phải về miền trung tìm gặp Mẫu Lý và xây dựng tượng cho ta, để cho ta hiển lộ sắc tướng cho chúng sanh tu tập mà thoát kiếp nạn. Rồi lại thấy cả hình tướng trang nghiêm, tay trái bưng bình nước cam lộ, tay phải đưa lên trong bàn tay có hình bánh xe pháp chuyển luân. Tóc búi cao, sắc thái rỏ ràng. Sau khi xuất thiền cô nhớ như in và phát họa lại. Sau đó thường xuyên cứ thấy như vậy ! Cô thưa cùng cha mẹ, có lẽ đây là sự linh ứng nào đó mà muốn cô thực hiện để cúng dường công đức và cầu phước huệ. Xin nói thêm rằng Cô Ngân ăn chay trường và thường xuyên ngồi thiền nếu không đầu của cô đau nhức. Cô không theo đạo và học đạo ở ai cả, nhà cô thờ Phật tự lâu đời như những nhà Hoa kiều khác vậy.
Qua ba tháng sau, vẫn một giấc mơ ấy, vẫn nội dung ấy nhưng ngày càng rõ ràng hơn thôi thúc hơn. Gia đình cô quyết định đồng ý cho cô đi tìm về miền trung một cách rủi may tùy duyên đưa đẩy. Chuyến đi này cả 3 anh chị em cùng đi. Trong khi ấy vừa mới qua một cơn bão, ngoài Nghệ An, Hà Tỉnh lũ lụt tàn phá nặng nề. Đường quốc lộ, đèo ngang sạt lỡ khó khăn xe cộ xếp từng đoàn chờ thông tuyến. Vì không phải là người thường đi Chùa hay thường gặp chư Tăng nên gần như gia đình không có thông tin gì về Chùa chiền ở miền trung cả. Trước khi đi, em Cô lên trang Intenet tìm kiếm những chùa ở miền trung và bắt gặp Chùa Linh Phong ( thường gọi chùa Ông Núi ) ở gần biển và là chùa có danh tiếng nên quyết định đi về chùa Linh Phong tham quan trước. Đến bến xe TP. Quy Nhơn 3 chị em cô đón xe taxi đến chùa Linh Phong theo tuyến đường mới mở qua cầu Thị Nại chạy dọc bán đảo Phương Mai về phía bắc.
Leo lên nửa lưng chừng núi, đến chùa gặp được Hòa Thượng Huệ Quang tiếp chuyện. Khi nói về ý tưởng cúng dường xây tượng Phật Quan Âm đứng quay về hướng biển, Ngài Huệ Quang nói là đã có tượng Phật Quan Âm lộ thiên do công ty du lịch đầu tư cao hơn 60m. Nên Ngài không nhận và bảo Cô đi tìm chùa khác mà cúng dường. Đi tham quan một vòng  chùa Linh Phong, trước khi xuống núi cô lại vào đảnh lễ cúng dường Ngài và hỏi thăm Ngài có biết chùa nào ở trước mặt hướng ra biển, chỉ giúp Cô để cô hoàn thành tâm nguyện.
Một lác sau Ngài như sực nhớ liền nói chùa Phước Sa ở Nhơn Lý đang xây dựng, Thầy Đồng Tín như là đệ tử của ngài thường về chùa Linh Phong cúng lắm.
Khi nghe Ngài nói đến ở Nhơn Lý, tự dưng cô bừng tỉnh và mừng rỡ như là đã chắc chắn hoàn thành tâm nguyện vì ứng với câu nhắc Cảm ơn Mẫu Lý, tìm gặp mẫu Lý…
Hôm nay về chùa Phước Sa, trước mặt chùa nhìn về hướng nam là mênh mông biển nước, nhìn xuống bến bãi nhà cửa san sát chen chút. Ghe thuyền neo đậu trồi lên hụp xuống theo sóng mùa đông bồng bềnh mỏng manh. Cô chợt hiểu vì sao nơi này Phật bà thị hiện…

Tôi kể cho hai anh chị nghe sơ lượt về đức Phật Quán Âm lồi lên từ cát cũng vào mùa đông năm 1919 đang tọa ngự tại chánh điện chùa Phước Sa và mời đến xem chụp hình lưu niệm. Sau khi lễ bái và chiêm ngưỡng Ngân ồ lên kinh ngạt, vì cũng gương mặt ấy, vóc dáng ấy đã hiển hiện trong tiềm thức cô nhiều ngày nhiều tháng. Tượng này đức Phật ngồi kiết già, còn hình ảnh Mẹ Quan Âm giáng hạ trong thế đứng trên mây và được mẹ bảo lấy tên tượng là : Hạ An Mẫu Từ. Bảo Ngân đi tìm mẫu Lý mà đặt tượng, giờ thì chị mới hiểu mẫu Lý chính là Mẹ ở Nhơn Lý vậy!
Sau khi thầy trụ trì nghe câu chuyện kể về sự việc đầy duyên nợ huyền diệu như vậy Thầy cười và chấp thuận cho gia đình cô Ngân cúng dường và xây dựng.
Tôi dẫn hai anh em cô Ngân leo lên những bậc tam cấp được lác bằng đá, đi qua tượng phật Di Lặc đang đắp phần cốt phần đầu mặt vừa mới được anh Tám Hữu đắp xong. Cô Ngân đứng lại và nhìn ngắm và hỏi người thực hiện pho tượng này, lúc đó có anh Tám Hữu thợ cả đi với tôi, tôi liền chỉ anh và giới thiệu, nếu chọn được địa điểm đặt tượng Quan Âm lộ thiên thì sẽ ký hợp đồng để anh thực hiện.
Leo hết bậc tam cấp rẽ ra hướng đông, một khoảng đất rộng thoáng cho ta nhìn bao quát một vùng trời biển mênh mông. Đến một gò đồi chẳng hiểu sao Ngân cứ đứng nhìn mãi và nói : Chổ này trông quen quá !
Tôi và anh Tám Hữu cách đây hơn tháng đi dạo trên đỉnh núi để nhìn ngắm không gian và định hướng cho những công trình lâu dài mai sau. Khi đến đỉnh đồi này cũng đã dừng lại ngắm nhìn và ước ao nơi này đặt được một tượng đức Quan Âm Nam Hải thật lớn để cho ghe thuyền ngược xuôi khi đi biển rời bến hay quay về bờ đều thành tâm kính niệm “ Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Quán Thế Âm Bồ Tát ”. Hôm nay cũng đến đồi này Cô Ngân lại có cảm giác như đã biết và thấy từ trong tiềm thức rất quen thuộc, cô quyết định đặt tượng mẹ ở nơi này.
Một lần tôi lại bất ngờ ứng khẩu khi ông Chủ Tịch Long lên chùa tham quan rằng có người ở xa muốn cúng dường tượng Phật Quan Âm cao 12m muốn được đặt ở trên đỉnh núi hay ở ngoài hòn Sẹo ông có bằng lòng giúp đỡ không? Ông nói cứ làm đơn xin phép địa phương giúp đỡ hết mình. Vậy mà hôm nay đúng như sự thật, cứ y như là tôi đoán biết từ trước vậy!
Sau khi đã thống nhất địa điểm đặt tượng Mẹ xong, mới bàn bạc kinh phí và mẫu tượng, kích thước. Anh Tám Hữu chịu trách nhiệm thi công và vẽ mẫu thiết kế, tính toán kinh phí. Đế tượng cao 5m phía dưới là mây sóng biển, phía trên là đài sen, mẫu tượng lấy khuôn mặt y như tượng quán âm Phật lồi ở chùa Phước Sa. Họa tiết tay chân vóc dáng như Cô Ngân vẻ trong tiềm thức thiền định thấy được. Sau khi nhẩm tính phỏng độ số tiền thi công trọn bộ 300 triệu đồng. Trong khi đó nhà cô Ngân chỉ có thể cúng dường 100 triệu, nên cô xin phép thầy về nhà rồi trả lời sau. Nếu được sẽ đem tiền ra cúng dường và tiến hành xuống móng xây dựng.

(tiếp theo)
Sau khi đã bàn bạc thống nhất nơi xây tượng, thợ thi công. Anh Tám Hữu vẽ mô hình bản thiết kế chi tiết đế móng, kinh phí xây dựng và gởi qua email cho gia đình Ngân biết. Về sơ lượt chi thiết kế tượng như sau:
-         Tượng có chiều cao : Đế móng : 5m ( phù điêu sóng, mây, hoa sen )
                                        Tượng :      7m.
-         Hình thái : Tượng đứng mặt nhìn thẳng ra biển hướng Nam, tay trái cầm bình Cam lộ ngang ngực, tay phải bắt ấn Tỳ Lô trong bàn tay có phù điêu Phật ấn (giống hình bánh xe pháp luân). Mặt tượng đắp theo mẫu tượng Quan âm phật lồi cổ tích của chùa Phước Sa đang thờ.
-         Kinh phí : Ước tính 300. triệu
 * Phần mặt bằng đế móng.
 * Phần thiết kế đường đi tham quan, trồng cây xanh…
 * Vật tư.
 * Công Thợ.
Một thời gian ngắn sau, gia đình cô Ngân trả lời bằng điện thoại là chỉ có khả năng cúng dường khoảng độ 200 triệu, xin bà con Phật tử chùa Phước sa góp công cúng dường một phần. Thầy và bà con Phật tử hân hoan tán thành cùng gia đình cô trợ duyên để cùng hoàn thành một kỳ tích. Mai sau chỉ cần đến làng Nhơn Lý sẽ thấy ngay trên triền núi một Pho tượng Quan Âm hạ an mẫu từ thật đẹp, như và một điểm đến du lịch tâm linh.
Bà con những ngư phủ xa khơi trong giông gió càng vững tay chèo trước rủi may. Tâm bi nguyện, sự yêu thương như người mẹ hình tướng ngày ngày hiển lộ, cầu bình yên làng xóm thạnh hòa.
Cuối năm những ngày giáp tết, dù bề bộn công việc lo toan mưu cầu cuộc sống, quý anh chị Huynh trưởng GĐPT Phước Sa, quý cô, quý bác đạo hữu thiện tâm vẫn miệt mài công đức. Đào đá lót đường, trồng cây to tạo cảnh quan, mặt bằng đế móng đã chuẩn bị sẵn sang chờ ngày lành tháng tốt hưng công xuống móng.
Gia đình cô Ngân một lần nữa đưa người nhà là Ba mẹ cô ra chùa Tham quan và đem tiền ra ứng trước để chi trong công việc. Với sự thành tâm cố công cố sức của gia đình Cô Ngân xây dựng cho được thể Phật bà như linh ứng mộng. Câu chuyện là một động lực thật lớn với toàn thể bà con Phật tử chùa Phước Sa. Người người đồng tâm, qua mấy lần đổ mê đổ mái hàng trăm người lao công công quả, bởi thế nên mau chóng phần cốt đã hoàn thành.
Một mặt nào đó chính quyền có người tận tâm giúp đỡ, nhưng cũng có không ít những con người ghen ăn tức ở, tâm tính hẹp hòi, hám danh cố chấp, đã đâm thọc nhiều lần gây phiền toái khó khăn. Có không ít những lời bàn luận nghe rất xót xa, khi chùa Phước Sa (có thể gọi là tổ đình ở Nhơn Lý) chưa xây xong vậy mà chùa Giác Hải lại vận động kêu gọi lạc quyên xây nhà Tổ (Một chùa trong cùng xã cũng nứt ra từ chùa Phước Sa, do cố TT. Thích Đồng Nhiên trụ trì đời thứ II của Phước Sa khai sơn) giống như tranh dành vậy ! Việc xây chùa, đúc Tượng là việc làm vô lượng công đức, tuy nhiên tùy duyên, tùy quốc độ mà hành xử, khi đã hội đủ phước duyên thiên, địa, nhân thì Phật sự tự nhiên thành. Không vì một người, một kích động có tính cá nhân, có ý đồ hơi riêng mà có thể thành. Nhiều lúc đó chính là nghịch duyên càng thêm lớn, đáng lý ra “Tùy thuận tự nhiên thành”, không khéo “Manh tâm sanh thiểu đức”. Lòng người không hòa, thời cuộc không đúng, dẫu có địa lợi cũng như không.
Trong câu chuyện tôi muốn kể về sự Linh ứng của Đức Phật Bà Quan Âm không ngoài mục đích chia sẽ thông tin và động viên những bà con cùng với bổn tự cùng cúng dường để làm nên một kỳ tích để đời cho mai sau. Dẫu có trăm sông ngàn núi, có khác nhau về chủ kiến, nhưng tột cùng đích đến và về vẫn hai chữ Quê Hương. Mới đây thôi người quan cao, kẻ khốn khó mấy mươi năm vẫn về chung cùng một bàn hương linh, một sớ văn điệp gởi, một cây hương xông khắp pháp giới, một ngôi chùa che chở tâm linh.
Lòng thành dâng nén tâm hương
Vọng về cố quốc quê hương thâm tình,
Mái chùa bến ngự tâm linh
Con đò sanh tử, yên bình xưa nay.

         Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Quan Thế Bồ Tát Ma Ha Tát.
TƯỢNG PHẬT LỘ THIÊN “ HẠ AN MẪU TỪ” CHÙA PHƯỚC SA ĐÃ HOÀN THÀNH
Jun 22, 2011 7:59 PMPublicPageviews 0 1
Thông tin : TƯỢNG PHẬT LỘ THIÊN “ HẠ AN MẪU TỪ” CHÙA PHƯỚC SA ĐÃ HOÀN THÀNH. DỰ KIẾN SẼ TỔ CHỨC LẾ KHÁNH AN BẢO TƯỢNG VÀO NGÀY VÍA PHẬT QUAN ÂM – NGÀY 19 THÁNG 06 NĂM TÂN MÃO.

Ban xây dựng tái thiết chùa Phước Sa vui mừng báo tin : Tượng Phật Quan Âm lộ thiên được đắp tạc đứng trên triền núi phía trên chùa Phước Sa đã hoàn thành. Chỉ còn lại một ít công việc hoàn chỉnh đường đi, lan can và lác đá nền đài tượng.

Thông tin xây dựng Chùa Phước Sa. Rằm tháng 4 - Tân Mão

Tượng cao 12m tính tòa sen, thêm phần đế 3m. Tượng Phật Bà lộ thiên đứng trên đồi núi chập chùng mặt hướng ra biển đông theo hướng Đông nam. Như những bài trước đã đưa tin về duyên khởi, từ sự nhiệm màu khó nghĩ bàn. Ngẫu nhiên như một giấc mơ được lập đi lập lại nhiều lần từ một vị thí chủ ở Sài Gòn, Phật ngầm bảo chị đứng ra hiến cúng. Mọi việc như có thiện thần hộ giúp, xây dựng tiến hành trôi chảy qua nhanh. Chỉ trong vòng 3 tháng với số lượng công việc đồ sộ, như phá dỡ đào móng, phát quang đường núi, trồng cây, con đường dẫn đến tượng bà uốn từng khúc quanh rất đẹp.
Từ trên triền núi người tham quan thắp hương Bảo tượng nhìn xuống bến Nồm với con đường bờ kè mấy xây tấp nập ngư dân chiều chiều dong thuyền ngược xuôi ra biển. Mênh mông đại dương xanh thẳm, những chiếc thúng tròn nhỏ như chiếc lá trôi rơi người dân chài bám víu… đứng nơi này là có thể nhìn toàn cảnh xã Nhơn Lý gom vào tầm mắt.
Tượng Phật bà mới đầu dự trù kinh phí chỉ đủ xây cao 7m. Nhưng khi đứng trước cảnh quan rộng mở, Thầy và ban tái thiết đã quyết định xây tượng bà cao 12m mới tương xứng với phong cảnh này. Pháp số mười hai rất hay :
-          12 lời nguyện cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm.
-          12 là thập nhị nhân duyên, là duyên sinh ra vũ trụ này.
-          12 : đó là 4 phương + 8 hướng.
-          12 là mười hai tháng trong năm.
Mẫu tượng khuôn mặt được lấy theo mẫu tượng Phật lồi ( 1919) đang thờ trong chánh điện chùa Phước Sa. Hình dáng thì phỏng theo lời kể của cô Ngân người đã mộng thấy Phật Bà mách bảo nhiều lần. Tay trái nâng bình Cam lộ, tay phải phát ấn Phật quang. Đến  nay tượng đã hoàn thành trông thật đẹp, mẹ thật hiền từ oai linh. Phía dưới đế tôn tượng, một tấm bia đá khắc ghi : HẠ AN MẪU TỪ.
Tuy còn rất khó khăn về kinh tế, vì công trình tái thiết chùa Phước Sa còn dang dỡ. Nhưng với sư linh ứng nhiệm màu của Đức Phật Quan Âm mà chùa Phước Sa hữu duyên xây dựng. Thầy trụ trì Thích Đồng Tín cùng toàn thể bà con bổn đạo quyết định lấy ngày vía Phật Quan Âm ngày 19 tháng 06 âm lịch sắp tới đây làm lễ Khánh An Bảo Tượng. Để cầu cho mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc trong ánh hào quang của Đức Mẹ Quán Âm. Kính nguyện mười phương chư Phật chứng minh, thiện thần già lam ngầm hổ trợ để cho công việc tái thiết chùa Phước sa gặp nhiều thuận duyên chóng thành như tâm nguyện.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.
* Nhân đây xin kể một trong những câu chuyện đã xãy ra trong thời gian xây dựng bảo tượng, và xin được lấy tên đề câu chuyện :
 THIỆN THẦN ỨNG MỘNG HƯỚNG THÍ CHỦ CÚNG DƯỜNG.
Thành phố Quy Nhơn cách Nhơn Lý không xa, kể từ khi cây cầu Thị nại nối liền bán đảo Phương Mai với phố thị. Tuy vậy rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Nhơn Lý, cô gái tôi sắp kể dưới đây cũng vậy, chưa có bao giờ đến Nhơn Lý một lần.
Gia đình cô có người thân ở hải ngoại, vì có tâm nguyện muốn cúng dường để cầu phước nhưng đang phân vân chưa biết cúng chùa nào.
Một đêm trong tháng tư, tháng Mùa Phật Đản, cô nằm mộng thấy thiện thần đến mách bảo, cô giật mình tỉnh giấc… nhưng trong đầu óc cô cứ nghe văng vẳng tiếng nói : Chùa ở Nhơn Lý đang xây chùa đắp tượng Phật bà dang dỡ, có cúng về đó cúng dường…
Thế là cô không tài nào ngủ lại được, đánh thức chồng dậy kể lại rất mơ trên.
Thật là có sự trùng hợp bất ngờ, em gái của cô lại có chồng người Nhơn Lý, lâu lắm rồi cô cũng không gặp lại. Thế là ngay trong sáng ngày hôm sau chồng cô liên lạc với người em cộc kèo nhờ hướng dẫn đường về Nhơn Lý để thẩm định lại giấc mơ của vợ mình có đúng sự thật không???
Người em rễ ( anh 2 Hơn ở thôn Lý Hòa, NL) nói trước rằng : chuyện đó có thiệt hiện chùa Phước Sa đang xây dựng có thấy trên núi có tượng Phật Quan Âm to lắm. Thế nhưng vì hiếu kỳ và cũng muốn đến tham quan và lạy Phật vì sự hiển linh trong giấc mơ này. Vợ chồng anh chị quyết định đi đến để tham viếng lễ bái cho tận mặt, xe vừa chạy đến đầu làng, đã thấy trên núi phía hướng nồm tượng Phật bà đứng xanh xanh trong nắng…
Anh Tám Hữu người thợ cả đang bắt lại dàn giáo để sửa lại mái tóc tôn tượng, hôm qua cô Ngân đi ra thăm Thầy và xem tình hình đắp Phật bà tới đâu. Trước khi cô đi cô gọi cho Thầy và ban xây dựng nói là phải sửa lại mái tóc, vì không đúng như trong giấc mơ cô hay từng thấy, mái tóc của Phật bà được bới búi cao. Anh Tám hữu giật mình vì anh đắp theo mẫu trùm khăn kín nên không thấy tóc. Bây giờ anh phải chịu khó bắt lại dàn giáo để sửa mái tóc lại cho Tượng đẹp hơn.
Quá trưa anh thấy mấy bóng người bên dưới dàn giáo quỳ lạy sùy sụp dưới chân tượng Phật Bà thắp hương thơm lựng, thấy cũng hơi ái ngại vì đang làm trên tượng Bà nên anh leo xuống nghĩ trưa luôn. Sau khi cúng xong đi tham quan chung quanh và xuống trò chuyện với mấy bà con bổn đạo. Câu chuyện nằm mộng như tôi đã kể trên…gia đình hứa sẽ cúng dường như ý nguyện, và đây chính là thiện duyên linh ứng của gia đình kết duyên thánh thiện.
Còn rất nhiều câu chuyện được bà con kể lại xung quanh sư linh ứng của Phật Bà, làm xôn xao dư luận lâu nay của bà con. Đâu đâu cũng nghe nói : Phật bà hiển linh lắm…
Tuy nhiên có thể là sự trùng lập ngẫu nhiên, là duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, tôi chỉ mạo muội kể ra đây câu chuyện này để bà con có dịp suy ngẫm.
Hãy một lần về thắp một nén hương
Nơi xứ Phật lồi lên từ cát
Sự linh ứng mấy trăm năm hun đút
Để hôm nay huyền diệu đứng lưng đồi…

                                                                                       Phật tử Vạn Tuệ thông tin.
Tựong Phật lộ thiên trên núi - chùa Phước Sa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét