TÙY BÚT


Tùy bút nhiều kỳ
            “Viết theo lời kể của quý cụ cao niên còn sống ở quê nhà, theo tài liệu của cụ Võ Thùy cung cấp”
                                                               “  Hậu côn Phật Tử Vạn Tuệ kính viết  “
                                                 PHƯỚC SA
                                     CHÙA QUÊ NHIỀU HUYỀN TÍCH

 Kỳ I : PHẬT LỒI THỊ HIỆN
 Ai đã từng một lần ghé thăm thành phố biển Quy Nhơn, phố nhỏ hiền hòa nằm trên thoi đất nhỏ doi ra, chắn ngang tạo ra đầm thị nại và bên kia là cửa biển. Từ trên núi Vũng chua nhìn xuống giống như cụ rùa bò ra biển, phía bắc có dãy núi Bà chắn gió, phía đông bán đảo Phương Mai nằm dài chắn sóng, tạo nên một cảng biển yên bình.
 Ngày xưa cảng Thị Nại là một cảng lớn sầm uất của người dân Chiêm Thành, vì gần kinh đô Đồ Bàn ( đời vua Chế Mân) tiện việc giao thương buôn bán … bởi vậy những di tích khảo cổ thời Chămpa còn ở Quy Nhơn nhiều lắm, tiêu biểu như : tuyến phòng thủ bãi đá bãi biển “Hừng Mai” ( Nay là Hải giang)  bãi đá phòng thủ ở bãi nam Nhơn Hải, Tháp Đôi Quy Nhơn...Giếng đá đế gỗ vuông ở Nhơn Lý…
Quê tôi, một làng chài  nhỏ nhô ra theo dải đất bồi chạy dài từ cửa biển Cách Thử ( ngày xa xưa nay đã lấp hơn 200 năm) cách dải núi Bà về phía nam khoảng 9Km, cách TP Quy Nhơn về hương Đông bắc chừng 20 km . Ngày xưa đi về Quy Nhơn khó khăn lắm phải vượt biển hơn 30 km về hướng Nam vòng qua Mũi Yến, những khi trời trở gió thì phải đi bộ về hướng Tây vượt qua trùng trùng đồi dốc cát vào trong bến Khe Đá xuôi Đầm Thị Nại về Quy Nhơn.Nhưng thuận lợi hơn cả là đi bộ về hướng núi Bà để buôn bán cá, mực rồi đổi gạo mua rau,mà khỏi phải qua đò giang cách trở.
Làng tôi Phước Lý ( tên gọi trước năm 1975) là điểm địa đầu vươn ra biển đông nhất- có Linh Sơn, có Địa cuộc nên dần dà trở thành một làng chài trù phú. Dân cư sống tập trung ở hai đầu bờ biển hình thành nên 2 xóm:
           Vũng Bấc, Vũng Nồm thật là tình tự.
                          “Cứ tháng ba nồm rộ
                          Anh neo thuyền bến em
                          Gặp giông tố bấc rền
  Bến nồm anh ghé đậu.
                                           Tuy hai bờ nghịch gió
                                           Nhưng tình vẫn một lòng
                                           Uống chung dòng suối Cả
                                           Cho ngọt ngào giọng “Qua…”
 Một góc Vũng Nồm chụp từ núi Cấm ( rẫy Ông Tín) hình VT.

Cứ thế! Trãi qua mấy trăm năm từ khi người Việt tiến về Nam mở đất. Làng quê tôi cứ mãi sinh sôi-thăng trầm nhiêu khê, mặn mòi dân biển…
                                                                Một góc Vũng Bấc 


 * PHẬT VỀ THỊ HIỆN 
Cái nghiệp sát của miền địa biên hạ tiện gắn liền với nguy hiểm, biển nước mênh mông. Đứng trước biển con người quá nhỏ bé trước bão giông.
Bởi vậy niềm tin là cội nguồn của sức mạnh. Người dân biển quê tôi tin ở tội phước, tin ở thần linh, tin ở siêu nhiên vô hình bất định… có lẽ sẽ trở nên cuồng tín nếu không có một ngày… Một ngày Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện lồi lên từ giồng cát vô minh.
            Năm ấy nhằm vào mùa đông năm Kỷ Mùi 1919 làng quê tôi đói cơm thê thảm, người chết, người tha hương… không những chỉ có người ở biển, mà người quê cũng mất mùa, lúa gạo chẳng có mà ăn.
            Người thì đào củ, hái rau, đập hàu ,bắt ốc …thôi thì cứ thứ gì ăn được là tìm… có lẽ đất trời hiểu thấu người dân biển quê tôi mà cho một món ăn đặc sản vừa ngon vừa dể kiếm chẳng mất tiền mua. Đó là món Còng biển(Giã Tràng, có dịp mời các bạn xem bài Cháo Còng món ăn nhung nhớ…) thời ấy quý cụ kể Còng biển nhiều lắm, đào hang khắp nơi, con con to như nắm tay. Chỉ đào một lác là đủ ăn cho cả nhà…
            Câu chuyện bắt đầu từ một đêm đi đào Còng của ông Thước ( Võ Bích ) năm nay khoảng hơn100 tuổi, lúc bấy giờ còn trai trẻ độ chừng 17- 18 tuổi.
            Đêm hôm ấy khoảng trung tuần tháng mười một, những cơn bão biển mùa đông vừa qua đi, mặt biển bàng bạc ánh trăng già mới vừa chớm mọc, từ dưới nước trồi lên lung linh huyền ảo chiếu xuyên qua những ngọn sóng bạc đầu, trông mờ mờ lung linh. Ông mang chiếc cuốc trên vai tay xách chiếc thùng nhỏ để đi đào còng. Ông lưỡng lự suy nghĩ đi xuống bãi biển hay đi đâu? Ừ nhỉ! Mùa này lũ còng gió hay đào hang ở triền dốc lắm… cuối cùng ông quyết định đi lên triền dốc của giếng khe ( thuộc địa phận thôn Lý Hòa hiện nay, tục gọi là xóm Mới).
Bỗng ông thấy xa xa, một vệt sáng chói lòa ngời vàng, bắt ánh trăng tan nhấp nháy. Ông hiếu kỳ đến xem, lấy tay sờ soạn, thoáng giật mình vì nhận ra giống hình thù chiếc đầu lâu vàng. Giữa đêm thanh vắng ông hoảng hốt bỏ chạy bụng bảo dạ : ”mình gặp ma Hời”… vì ngày xưa oan linh người Hời còn nặng nợ …nên người dân quê tôi thường hay bắt gặp và kể thường thấy Ma Hời biến hình như: thấy bầy gà vàng, thấy buồng cau vàng…
            Ông sợ quá chạy về nhà trùm chăn sợ như vỡ mật ! Một lát sau bụng ông đau dữ dội, quái lạ từng cơn như chuyển dạ sắp sinh. Cả chòm xóm náo động vì ông rên la than khóc …ông kể trong bấn loạn rằng mình thấy ma Hời giờ bị ma Hời bắt… khi ấy mấy cụ bô lão rủ nhau đi sắm sửa nhang, đèn, đến nơi ấy để xin tha cho ông Thước.
            Lúc này trăng đà lên cao, cộng với ánh sáng đèn măngxông đủ để quý cụ nhìn rõ - Ma Hời theo lời ông Thước kể thật ra đó là Quán đảnh của tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lồi lên từ giồng cát. Người thì đào tay, người thì cuốc, phút chóc tượng ngài đã hiện ra trong tư thế ngồi kiết già hiền từ thân thiện. nhân có khe giếng nước rịn ra từ chân dốc, bà con tắm rữa tượng sạch sẽ rồi thỉnh về… lúc ấy cơn đau bụng của ông thước cũng hết biệt luôn lúc nào chẳng hay, chỉ thấy một niềm xúc cảm vui mừng tuông trào khong ngớt như vừa uống ngụm cam lồ của bồ tát quán âm thị hiện trên giồng cát quê tôi.
NAM MÔ TRỤ TA BÀ U MINH GIỚI, QUÁN ÂM NHƯ LAI TẦM THINH 
CỨU KHỔ NGUYỆN
                            
KỲ II :   THĂNG TRẦM MẤY ĐỘ

Thế là từ ấy làng quê Phước Lý mới có một tượng Phật bằng đồng cao khoảng 6 tất chưa tính đài sen – rất tiếc lúc đào Ngài ở hai bên có 2 tượng Phật Di Lặc bằng đất nung nhưng bị cuốc chạm bể. Theo các nhà khảo cổ thì Tượng Phật này là của những người lính Chiêm Thành – khi đến Phước Lý đóng đồn bốt  đã mang theo để thờ phụng – vì Phước Lý là điểm địa đầu trọng yếu của cửa biển Cách Thử ( nay đã lấp rồi ) và cửa Thị Nại (Quy Nhơn).
Tôi còn nhớ rất rõ, ngày xưa ở quê tôi thỉnh thoảng vẫn thường thấy nằm xen giữa khu nghĩa địa là những ngôi mộ mu rùa, được đắp bằng một thứ vật liệu chẳng phải xi măng, mà chẳng phải đất sét. Thường thì những ngôi mộ này nằm ở những nơi khô ráo đất cứng ở các sườn đồi núi. Nhưng khoảng thời gian sau đến năm 88 -90 thì đã bị lũ trộm đào tan nát để tìm đồ cổ, chẳng biết có tìm gì được không riêng tôi chỉ thấy não nùng cho cái cảnh lầm than…cũng may còn lại chút tình của người thiên cổ đã di chỉ lại một số di tích văn hóa phi vật thể còn lại ở Phước Lý quê tôi. Đó là những giếng nước cổ xưa thời Chăm Pa để lại, nó được người xưa sắp bằng đá cứng tròn bóng nhẵn ( thường gọi là đá sống ) đặt biệt dưới đáy nước là một khung gỗ vuông to chắn cát ( chưa biết là loại gỗ gì những ngâm mãi trong nước mà chẳng thấy mục ), nước mát ngọt quanh năm không bao giờ cạn dù trời hạn hán khô hanh. Giếng được bố trí ở hai mặt biển cách mực sóng biển một khoảng an toàn, 2 giếng ở vũng bấc, 1 giếng ở vũng nồm, cho đến nay bà con vẫn thường sử dụng tuy rằng đã có nước giếng đóng, nhưng mùa hè tắm biển xong chạy ù lên, xối vài gàu nước giếng cổ một cảm giác thật là quê hương thân thiết.
            Xin trở lại đề tài Đức Phật Quán Âm hiển linh trồi lên từ lòng đất !
Từ khi làng quê có Đức Phật Quán Âm thị hiện  - biển nước thanh bình, mùa màng may mắn cuộc sống thêm hương.
Lúc này quê tôi chưa có một ngôi Chùa nào để thỉnh ngài về ngự tọa, nên tạm thời che một Am tranh trên đỉnh núi đơn ( ngọn núi chở che làng xóm ) thỉnh Phật về thờ (thường gọi là rẫy Ông Tín). Nơi ấy bầu trời như mở rộng ra cả thế giới, phía đông là đại dương xanh rì lao xao sóng ghềnh Hòn Cỏ, Hòn Cân, Hòn Sẹo…. trước mặt nhìn về tây là làng xóm bình yên bên Nồm, bên Bấc. 
 Hai năm sau, tin đồn làng Phước Lý có phật lồi linh thiêng nên bà con xóm làng no đủ, đã đánh động lòng tham của bọn đạo tặc xa gần…
            Một đêm nọ, vào khoảng thượng tuần tháng ba năm Tân Dậu ( 1921) , ánh trăng đang dần lặn sớm, cả làng ngon giấc qua một ngày lao động mệt mõi. Tiếng tắc kè…tăc kè… gọi bạn từng chặp, từng chặp, không gian mờ bóng sương tháng ba lành lạnh. Ánh đèn dầu lạc mờ mờ soi qua khung cửa những nếp nhà bình yên, ngủ không đóng cửa. Ấy vậy mà trong cái cỏi bình yên này đang chuẩn bị mất một cái gì đó thiêng liêng nhất…
Một nhóm người lạ mặt đã tìm đường lên đỉnh núi đơn,  chúng đã tìm ra cái Am tranh đang thờ Phật. Bật chợt chúng rùng mình vì hiện ra dưới ánh trăng mờ ảo là những giọt nước mắt long lanh lăn trên mặt Đức Đại Từ Bồ Tát, từng giọt sương bắt ánh trăng tan lóng lánh… Dáng ngài ngồi kiết già trong thế tọa thiền đang lặng nghe âm thinh thống khổ của chúng sinh trong cõi Nam Diêm Phù Đề, trầm tư mặc tưởng. Phút chốt ngập ngừng lũ đạo tặc như muốn tìm lại tâm từ vốn bị u minh che lấp ! chúng lặng im cuối đầu “ Mô Phật cho con xin…. “
Chẳng biết ngài có bằng lòng hay không ? chỉ thấy sóng ghành ầm ì dữ dội, chỉ thấy lá xạc xào nhỏ to, chỉ thấy tiếng Cú kêu đêm nghe đến não nùng…
Ngày hôm sau cả làng xao xát, tin buồn lang khắp làng quê. Phật thiêng của làng đã bị đánh cắp, chúng nó muốn lấy cổ vật…hay muốn giành lấy sự linh thiêng của bồ tát để làm của riêng mình…chẳng ai mà biết được!!
Sáng hôm sau tại sân đình Đình Làng Xương Lý quý cụ bô lão kêu gọi bà con sửa chữa lại mái đình bị hư hỏng dột nát – vì Đình tọa lạc bên sườn núi đơn nên bị mối mọi ăn nát, cả làng cùng nhau vui vẻ nói cười người làm cái này, người khieng cái nọ, tất cả vô tư đâu hay biết việc tối qua…
            Như có Thần linh mách bảo – chiếc rựa chẻ lạt của ông Biện giữ đình       ( Ông Liến ) tự nhiên bay vào trong một lùm cây rậm rạp – ông Biện đi xuống lùm cây tìm thì phát hiện một cái bao kì lạ - mở ra ông mừng rỡ la to – bà con ơi !
            Phật bà – Phật bà sao lại ở đây ! … Thế rồi bà con bàn tán xôn xao, ăn trộm, chúng nó ăn trộm nhưng khiêng xuống đây, thì bị gì đó nên….“Phật hiển linh nặng tựa thái sơn làm sao mà tâm tham chuyên chở cho được…” thôi thì Phật Linh lại càng thêm linh…
            Thế là một lần nữa người dân quê tôi lại vui mừng thỉnh tượng Phật Bà về Chùa Thánh ở mặt biển Vũng Nồm trên sườn núi ( nay là chùa Phước Sa ). Vì chùa thờ Quan Thánh Đế Quân nên cúng mặn mòi giết heo, giết bò tế sống không hợp với Phật Đà – cho nên bà con mới dời lên khoảng đất trên cách chùa ông chừng 30m phía trên sườn núi dựng một chùa nhỏ để thời tự - từ đó mới có tên Chùa Phước Sa ( tục gọi là Chùa Bà ). Chùa xây dựng vào tháng hai 1922.
     Chùa Bà trên núi chùa Ông
   Cùng nghe sóng vỗ mùa đông cuộn trào
    Cùng nghe dân biển ước ao
   Thanh bình phổ độ giải bao ách nàn.
      Người quê tôi thời ấy chưa biết nhiều về đạo Phật ! chỉ biết hôm sớm thắp nhang cầu nguyện. Thấy hiện tướng của Bồ Tát Quán Thế Âm là thân nữ nên thường gọi là Phật Bà – chứ kỳ thật Phật đâu có bà có ông.
            Thật là những truyền tích diệu kỳ hay thay ! Tôi là người hậu bối nghe đồn và nghe kể về Đức Phật Quán Âm thị hiện ở Chùa Phước Sa linh thiêng lắm ! kẻ gian nhiều người mà không khiêng đi nổi – tôi bán tín, bán nghi. Vì tôi thấy tượng chỉ cao khoảng 6 tấc bằng đồng và trong rỗng – độ chừng khoảng 20 – 25 kg là cùng. Tôi tò mò muốn tìm một dịp nào đó để nhất thử mới thỏa trí…bình sanh…        
     Chùa Phước Sa năm 1973.
                                    
KỲ III :   DUYÊN PHÙNG TƯƠNG NGỘ  

Phước lý quê tôi từ một làng chài nhỏ, người dân thuần ngư, chịu thương chịu khó
                Quanh năm mưa nắng dãi dầu,
                              Lưng trần đen biển nhuộm
                                            Tóc vàng hoe mắng toe
                                                               Tay chèo căng quẫy mái
                                                                               Phong ba đạp trên đầu.
Tính cách người dân xứ vũng quê tôi thật thà chất phát, cường điệu vui tươi, nói cười sảng khoái… có lẽ vì lòng từ bi của bồ tát, thương cho dân biển nghèo chất phát, thương cho chúng sanh lặn ngụp biển luân hồi –nên mới hữu duyên về thị hiện. mới có chùa phước sa – có phật quán âm tòa ngự.
- Phước là phước duyên hội ngộ giữa nhân gian – giữa hữu tình và bồ tát.
- Phước là là quà tặng quả lành của nhân thiên của cộng duyên + cộng nghiệp nhiều đời mà thành.
- Sa là cát là sa thạch là sa bồi ý nhiều như cát hà sa…
- Hay còn một ẩn nghĩa : “ Phật là phước lồi lên từ cát “.
-                          Có Chùa, có Phật, rồi duyên đến mới có Tăng. Một nho sỹ quê nhà họ Võ ( tục gọi thầy cả ) phát nguyện trọn đời theo đạo, hòa hợp tăng già, phát nguyện xuất gia. Theo ngài thiền sư dòng thiền Minh Hải Chúc Thánh, Thiên Bình Đường Thượng - Lâm Tế chánh tông đời thứ 41 – thượng Như hạ Từ - hiệu Tâm Đạt Hòa Thượng Tổ Sư. Thầy cả quy y thọ pháp - pháp danh: Thị Niệm hiệu Thiện Giai trụ trì Phước Sa đời thứ I .
-                          Lúc bấy giờ quê hương Phước Lý mới chính thức có ngôi Tam Bảo đủ đầy ( Phật + Pháp + Tăng ). Phật tử đạo hữu ngày càng đông cả vũng nồm, vũng bấc.
   (*)         Năm 1956 chùa Ông bị chiến tranh tàn phá trong 9 năm bỏ hoang không tu sửa, thấy đạo Khổng, Lão suy vi, bà con mới lấy đất chùa Thánh chuyển chùa Phước Sa ( chùa bà ) xuống thấp và xây dựng lại mái ngói tường xây chắt chắn, to rộng hơn để phật tử sinh hoạt. đến tháng 7 năm bính thân ( 1956 )  khánh thành chùa Phước Sa mới. Lúc bấy giờ đạo Phật hưng xương, nhà nhà đều thờ Phật.
            Chiến tranh lại qua đi, vô thường chi phối, như quy luật hình sin, như sóng dồn bờ vậy ! sau năm 75 là sự đổi thay, tín ngưỡng tôn giáo nhường lại cho thuyết vô thần, duy vật ngự trị. Mọi sinh hoạt đình trệ, đạo Phật lại suy vi một thời gian dài … Đình linh thiêng là vậy mà không một nén hương, chiếu chỉ Vua ban lập làng trang trọng trong khung hộp sơn son thiếp vàng, bị đánh cắp…
            Đâu đấy vẫn thường thấy hình ảnh của tư tưởng vô thần, vô đạo, không cúng lạy cha mẹ ông bà, chỉ đứng như trời trồng nói là tưởng niệm.
            Ôi thôi thời ấy điêu linh ! Đạo Phật suy đồi rồi Đức Phật Quán Âm một lần nữa bị kẻ gian đánh cắp…
Đêm 23 tháng 9 năm Mậu Ngọ ( 1978 ) ánh đèn dầu le lói, phút chốc vụt lao xao theo tiếng rít của gió đông giao mùa thổi mạnh. Tiếng lá tra khô bay xào xạc, đì đùng tiếng đập cửa hòa lẫn với tiếng sóng vỗ mùa đông. Cửa chùa vỡ kính đánh choang... bà sãi già chẳng trở mình, quấn mềm vì lạnh, bên cạnh chú mèo giật mình vểnh tai nghe ngóng chẳng biết có chuyện gì ngoài kia?
Lần này kẻ trộm là hai trong một ngoài ( hai người trong xã, một người ngoài xã ) đã đồng lõa đập vỡ cửa kính cạy chốt cửa vào chánh điện chùa Phước Sa để trộm báu vật. Chùa không có Thầy trụ trì ( Thầy Đồng Nhiên lúc này đã khai sơn chùa Giác Hải ở gần nơi Phật đã lồi lên thị hiện ). Lúc này chỉ còn lại một Bà Sãi già đang quấn mền sau hậu liêu vì mùa đông giá lạnh.
Cái lạnh của mùa đông, cái lặng thinh của nơi chốn già lam, cái u tịch của của thế giới tâm linh làm sống lưng của lũ đạo tặc tê rần… Cả ba thay phiên nhau vác tượng Phật Quán Âm, chạy qua cồn cát đi về hướng tây để tẩu tán theo đường Gò Bồi – Tuy Phước. Lòng tham lam lấy được của quý, tượng Phật cổ tích đã kích thích cả ba không biết mệt mỏi. Hơn 5 cây số đường cát với 20 ký trên vai quá nhẹ đối với ba kẻ lực lưỡng, vai u thịt bắp, vậy mà… bọn chúng như đang cõng cả núi đồi đất nước – gánh trên vai cả núi Tu Di, tiếng xì xào to nhỏ của rặng dương, tiếng sóng vỗ ì ầm, tiếng nói cười, tiếng súng nổ, tiếng Ma Vương cứ rượt đuổi ba người chạy như mắc tà, mắc bệnh. Mới đầu một người vác, sau hai người khiêng, cuối cùng thì ba người cùng phụ nhau ôm tượng Đức Quán Thế Âm mà chạy… cả ba chẳng còn sức, vừa hoảng hốt như mê như tỉnh, gió hút xạc xào như có tiếng Âm Linh – tiếng nhịp tim của họ mà cứ tưởng như tiếng đập bàn tra hỏi của Địa Ngục Phán Quan. Thế là lòng tham của họ đã bị phá tan tành, tiếng cười khanh khách của Thiện Thần cứ to dần… to dần trong tai của ba tên đạo tặc. Quá hoảng hốt, cả ba vứt đại tượng Bồ Tát tại ngõ Dốc Bồ trong đêm tối rồi mạnh ai chạy thoát thân nấy – cứ như có sức mạnh vô hình rượt đuổi. ( theo lời kể của ba đạo tặc) Thật là: 
Đồng thau là chất vô minh
 Đúc nên tượng phật kết tinh muôn đời
 Tham, sân, si, phải xa rời
 Hiển linh quán thế độ người lầm mê.
Sự thật này lại một lần nữa chứng minh, sức mạnh siêu nhiên của thánh thiện, của hun đúc tinh anh Bồ Tát từ vô lượng kiếp. Thật trùng hợp thay! ba tên đạo tặc ấy bỏ lại tượng Đức Phật Quán Thế Âm dưới chân Dốc Bồ lại nhằm đúng vào địa phận của chùa Thiên Long nằm trong một bụi trúc. Mờ sáng hôm sau bà sãi dậy quyện chuông, thấy cửa chùa tan hoang trống toát, trống dục tri hô cả làng náo động. Thôi thì bà con đạo hữu phật tử tỏa ra đi tìm kiếm khắp nơi, chẳng thấy tăm hơi, bụng bảo dạ lần này mất chắc! tiếng đồn lan khắp, chùa Phước Sa mất phật đồng đen... thôi thì thêu dệt đủ điều. Lúc ấy tôi còn nhớ cùng trẻ con chạy đi xem mấy bà cụ khóc lóc, người thì rủa chưỡi, người bàn luận phân tích " Phật này mà mất, chùa Phước Sa mất luôn vì Phật này linh hiển lắm..."" chắc là làng sắp có thiên tai đại họa điềm xấu đây..v..v.. Ở sân chùa Thiên Long, gánh chuối, củ môn trên vai, Thầy xốc lại quang gánh cho đều. Mấy nải chuối còn xanh trái to căng bóng trông thích mắt. Thầy nghĩ bụng gánh này bán ra cũng đủ cho thầy mua ít dầu hỏa, mấy bó nhang, vài ba ký gạo. Dạo này miếng ruộng nhỏ trước chùa nhiểm phèm chỉ trồng lúa được một mùa, tháng chín lụt sớm chẳng có gạo mà ăn. Cũng may giồng môn, vườn chuối xanh tốt đã nuôi thầy, để Thầy sớm hôm phụng sự Tam Bảo. Thầy thở dài bước đi ngược về sau chùa, tiến về bụi trúc con đường nhỏ dẫn lên Dốc Bồ, đằng sau phía tay trái là tháp Ngài Thiên Long ( đời thứ I ), ánh bình minh vừa đỏ, thầy vội vàng nhanh chân để đến kịp chợ Phước Lý... vội vàng chi thầy vấp phải một vật gì đang nằm bên đường, chao ôi ! thầy mở miệng bao chợt bừng tỉnh, mô Phật ! đây là tượng Phật Quán Âm  chùa Phước Sa của sư huynh Thầy, nghe nói bị mất. Nên chi Thầy định đi Phước lý vừa để bán ít chuối, môn vừa để thăm hỏi cho rỏ. ( Thầy là Ngộ Khả là huynh đệ đồng sư với Thầy Cả của Phước Sa ) vừa mừng vừa kinh ngạc, Thầy quày quả thỉnh tượng Phật vào chánh điện chùa Thiên Long, đóng cửa gọi người trông chùa rồi Thầy bôn ba gánh chuối chạy những sải dài như có cánh. Dốc Bồ thật đẹp, hàng dương rì rào nhỏ to, tiếng sóng biển ngày càng gần, người tu sĩ một đời trồng người trên cát trắng, giồng môn đất chài, vườn khoai chất phát bỗng mĩm cười trong ánh nắng ban mai... Thế là lần thứ 3 Đức Phật lại về với chùa Phước Sa, về với làng quê nơi ngài thị hiện. Đạo hữu phật tử xã nhà lại thỉnh Ngài về chùa Phước Sa ngự tọa. Thế mới hay sự linh thiêng và huyền diệu không thể nghĩ bàn. Kẻ gian cuối cùng cũng bị pháp luật trừng trị, nhưng tiếng xấu đến bây giờ vẫn còn bia miệng. Người dân Phước Lý ở vào thời ấy ai ai cũng từng nghe Tô Lý Hải ăn cắp phật. Những người vô tình đặt tên Hải hay bị bạn bè chọc T.L. Hải cho đến ngày nay tôi vẫn hay nghe thấy. Vì quá sợ kẻ gian lấy cắp lần nữa, một số cụ trong Ban Hộ Tự bèn tìm cách gắn ốc vích siết chặt đế tượng vào bệ thờ cho an toàn…
(**) Năm 2005 thầy Trụ Trì đời thứ 4 chùa Phước Sa Đ.Đ. Thích Đồng Tín đã vì đại nguyện trùng tu, mà tháo bỏ ốc vích như giải thoát sự buột ràng, tùy duyên độ chúng của Đức Quán Âm. Không một quốc độ nào không bị chi phối của Thành, Trụ, Hoại, Không. Đến lúc phải nương nơi thần lực của Ngài để cầu thành công đại nguyện trùng hưng Phước Sa cổ tích. Chẳng biết việc làm của Thầy thuần túy nguyện cầu, hay còn thẩm sâu như lai ý nhiệm màu nào khác. Nhưng qua việc cưa ốc vích của tượng Ngài đã là một chủ đề nống hổi. Những người thường thấy làm được cái sự gì đó hay bị cái ngã cống cao, chất vấn thầy gây nên một cuộc tôi ta Phật Ma thấy rỏ, từ đó Thầy mới hàng phục ma vương và chí nguyện cầu thần lực của Bồ Tát Quán Âm để hoàn thành tâm nguyện trùng tu Phước Sa Phật Tích. Thế là bao ước nguyện lâu nay của tôi được chính tay mình nâng tượng Ngài lên để ước lượng độ nặng bao nhiêu, sao truyền thuyết nhiều lần kẻ cắp không tài nào đưa ra khỏi xã. Tính đa nghi rất con người của tôi đã có dịp kiểm chứng. Tôi hồi hộp chờ đợi… nghe Thầy nhờ nhấc tượng lên để di chuyển tôi mừng rơn xung phong tiến lên bục thờ liền…. Chao ôi ! tôi sung sướng nôn nao khi được ôm tượng Bồ Tát Quán Âm vào lòng, cánh tay tôi lành lạnh tê rần có lẽ vì hơi đồng cổ hơn ngàn năm tuổi… tôi lấy gân gồng mình nhấc lên… ô hay ! tượng Phật nhẹ tênh không có đài sen chỉ nặng trên dưới 20kg – tôi thở phào nhẹ nhỏm…sự thật là Phật quá hiển linh…. 
 Chùa Phước Sa đầu năm 2009.
Tháp ngài Thích Thiện Giai ( tục gọi Thầy Cả)

Chú dẫn :
* Trong khoảng trung tuần tháng tư năm Ất Dậu ( 1945) lại có người tìm thấy ở khu vực giếng nước khe xóm mới ( Lý Hòa ) cũng gần khu vực mà Đức Quan Âm thị hiện, một tượng Đức Phật Chuẩn Đề bằng đồng nhỏ cao khoảng 2 tấc, chạm khắc rất tinh xảo. Hiện nay đang thờ tại chánh điện chùa Phước Sa, cùng với tượng Phật Quán Âm.

** Cuối năm 1999 thầy Thích Đồng Tín về trụ trì chùa Phước Sa đời thứ 3 thầy là người quê hương Vũng Bấc, đệ tử của Hòa Thượng Liễu Không đồng tông phái Thiên Bình với Thầy Cả . Thầy thường chiêm bái đảnh lễ Bồ Tát Quán Âm.
Cầu Bồ Tát hiển linh gia hộ cho sự nghiệp trùng tu Tổ Ấn được thuận lợi.
-                          Năm 2003 thầy xây giảng đường có sức chứa hàng trăm phật tử giáo đồ.
-                          Năm 2004 thầy xây trụ cổng, nâng bật cấp đường lên núi về chùa lát đá, nâng đường, xây Dinh Ông Tiêu Diện .. v..v..
-                          Hướng tới tái thiết Đại Hùng Bảo Điện mới ( vì đã xuống cấp trầm trọng ). Gìn giữ di tích nơi chùa bà cổ tích ở trên núi cao…
Nhiều lúc tưởng chừng những công trình thầy làm không xong, vì thầy mới về trụ chưa ổn định với lại chùa không có quỹ. Vậy mà nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ Bồ Tát hiển linh, nên việc xây dựng mấy lần đều hoàn thành ngoài sức mong đợi.
Hiện giờ tâm nguyện cả đời của thầy là tái thiết ngôi Chánh Điện, mỗi khi mùa mưa đến thầy trò phải tụng kinh bên những cái thau, nồi,… hứng nước mưa dột.
Tiếng mõ hòa tiếng nước mưa dột lộp … bộp… nghe nhứt buốt lòng đau…
Con xin nguyện cầu hạnh đại từ của Bồ Tát quán âm thinh đại nguyện – hướng vào tâm những người con Phật khắp năm châu & nhất là người quê Nhơn Lý. Nhớ về nơi khởi nguồn đạo Phật – nơi bước chân Bồ Tát hiển linh – hướng về chùa Phước Sa đang trùng tu tái thiết.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn
Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét