![]()
Đại Lão Hoà Thượng THÍCH BẢO AN
CÁO BẠCH TANG LỄ
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Việt Nam và Môn đồ Pháp quyến Tổ Đình Phổ Bảo vô cùng kính tiếc báo tin: Đại Lão Hòa Thượng THÍCH BẢO AN - Trưởng Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Định - Thành viên sáng lập Tu viện Nguyên Thiều - Bình Định - Viện chủ Tổ Đình Phổ Bảo – Tuy Phước, Bình Định Sau một thời gian bệnh duyên, mặc dù đã được môn đồ và các y bác sĩ tận tình chữa trị, nhưng thân tứ đại của Hòa Thượng đã đến lúc thuận thế vô thường, an nhiên viên tịch vào lúc: 01 giờ 45 phút sáng ngày 22 tháng Giêng năm Tân Mão (nhằm ngày 24 tháng 2 năm 2011). Tại: Tổ Đình Phổ Bảo – xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định. Trụ thế: 98 năm, 70 Hạ lạp. Lễ nhập quan vào lúc: 3 giờ chiều ngày 22 tháng Giêng năm Tân Mão (nhằm ngày 24 tháng 2 năm 2011). Lễ truy niệm và cung tiễn kim quan nhập đại bảo tháp sẽ được cử hành vào lúc: 7 giờ sáng ngày 27 tháng Giêng năm Tân Mão (nhằm ngày 01 tháng 3 năm 2011). Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Việt Nam và Môn đồ Pháp quyến Tổ Đình Phổ Bảo kính báo và cung thỉnh chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật tử thân lâm đạo tràng Phổ Bảo để kính viếng, hộ niệm và tiễn đưa nhục thân Đại Lão Hòa Thượng nhập đại bảo tháp được thập phần viên mãn. Nay kính tin, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Việt Nam Môn đồ Pháp quyến Tổ Đình Phổ Bảo Bình Định
***
THÀNH
KÍNH TƯỞNG NIỆM TÔN SƯ
Cố Đại Lão Hoà Thượng THÍCH BẢO AN
- Trưởng Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình
Định
- Thành viên sáng lập Tu viện Nguyên Thiều - Bình Định - Viện chủ Tổ Đình Phổ Bảo - Tuy Phước, Bình Định
* * *
Thành kính đảnh lễ giác
linh Sư Ông,Mãi cho đến hôm nay, khi viên gạch cuối cùng được lát xuống nền chánh điện Đạo Tràng Phổ Hưng, con mới có chút thời gian rảnh để ngồi viết những dòng chữ muộn màn này, hầu kính dâng lên giác linh Sư Ông như một lời sám hối với tất cả thành tâm của một môn đệ Phổ Bảo – Hưng Khánh đang độc hành trên cuộc đăng trình viễn xứ. Con ngồi đây xâu chuỗi lại những gì ký ức có thể ghi nhớ về Sư Ông - bậc “Tôn Túc Mô Phạm”, bậc “Long Tượng Thiền Môn” mà con từng có thiện duyên được gần gũi và thấm nhuần ân đức. Ngưỡng bái bạch giác linh Sư Ông, Nếu như cuộc đời mỗi con người đi theo một định mệnh, thì khúc quanh của mỗi một đoạn đường đời là dấu ấn khó phai mờ. Ngả rẽ cuộc đời con bắt đầu vào một ngày chớm Đông năm Đinh Mão. Ngày ấy con theo chân Mẹ bước qua cái cổng Tam quan cũ kỹ của chùa Hưng Khánh để bắt đầu cuộc hành trình của một người xuất gia học đạo. Và con được gần Sư Ông kể từ những ngày tháng đó… Con còn nhớ rõ lắm. Lần đầu tiên gặp con, Sư Ông hỏi: “Con vô chùa làm gì?”; con trả lời: “Con muốn xuất gia, tu học.”; Sư Ông cười nói: “Vậy ‘da’ (gia) con bị ‘sứt’ (xuất) chỗ nào?”… con không biết trả lời sao, chỉ biết mỉm cười. Ngày con mới bắt đầu những bước chân sơ cơ ở chốn Thiền môn, chùa Hưng Khánh chỉ có mỗi một cuốn Kinh Nhật Tụng, khi học Kinh phải chép tay ra giấy để học. Con học thuộc Đại Bi, Thập Chú, v.v. trong thời gian rất ngắn. Phần thưởng những ngày đầu xuất gia Sư Ông dành cho con là một cuốn Nhật Tụng mới tinh từ Phổ Bảo mang về. Với con ngày ấy, được cuốn Kinh Nhật Tụng như Đường Tăng trong Tây Du Ký được chân Kinh! Một năm sau, chùa có thêm chú Dũng. Sư thúc Đồng Văn từ Sài Gòn về ăn Tết bắt hai chú tiểu Hưng Khánh phải đi cắt tóc thật ngắn. Sư Ông từ Phổ Bảo về, hai đứa lên đảnh lễ… Sư Ông nhìn thật lâu rồi nói: “Chùa này nuôi hai điệu nhưng trái ngược nhau: một mập một ốm, một đen một trắng, một Đại Hàn một Ấn Độ…” (vì tóc con cắt ngắn ai cũng nói nhìn giống Đại Hàn). Và cái tên “Thằng nhỏ Đại Hàn” cũng được Sư Ông gọi con kể từ ngày đó. Những năm cuối của thập niên 1980, đời sống quê mình còn nhiều cơ cực, cơm ăn không đủ no thì sao dám nghĩ đến chuyện áo ấm. Phần con chỉ có 2 bộ đồ vạc-khách để thay nhau những lúc đến trường. Sư Ông thương, gần Tết đem bộ đồ Phật tử Sài Gòn mới dâng cúng đưa cô Tám Nghĩa và dặn: “…chỉnh rộng rộng một chút để năm sau chú mặc còn vừa… Thằng nhỏ ở tuổi đang phát triển”. Sau Tết năm ấy, con mặc bồ đồ mới đi học với một niềm vui khó tả. Tấm hình chụp con mặc bộ đồ ấy giờ vẫn còn ở bên con! Ngày con xuống Phổ Bảo, theo lời dặn của cô Hai (má Thầy Đồng Văn), con quỳ đảnh lễ Sư Ông trong lúc Sư Ông đang cùng Phật tử cắt đám ruộng trước ngõ chùa. Lúc ấy Sư Ông chỉ nói bốn tiếng: “Tội nghiệp thằng nhỏ”… và rươm rướm nước mắt cầm tay con dắt vào chùa… Những ngày ở Phổ Bảo, Sư Ông dạy con từng cử chỉ, oai nghi tế hạnh mà một Sa Di miền Trung cần phải có: từ những gì trong quyển Hạ của “Sa Di Luật Nghi Yếu Lược” đến những hành vi nhỏ như cách lạy Phật, đánh từng tiếng chuông, cắm từng cây hương… Hết Trung học, con vào Sài Gòn để tiếp tục việc học. Trước ngày rời quê hương Bình Định, Sư Ông viết một bức thư tay và dặn con khi vào chùa Giác Uyển nên đưa trực tiếp lá thư ấy cho ‘Bố’ Huệ Minh… Con không biết nội dung viết gì trong đó, nhưng với con bức thư ấy như một cái chiếu khán ưu tiên đặc biệt (priority visa) để con bắt đầu những năm tháng trưởng thành ở đất Sài Gòn. Những năm tháng con theo học Đại học ở miền Nam, vì theo học ngành Báo chí nên con giao du với khá nhiều bạn bè, nhất là nhiều bạn nữ học cùng trường Đại học Xã hội & Nhân văn hay đến chùa cùng ôn bài vở. Sư Ông sợ con tiếp xúc nhiều với nữ giới ‘vướng trần duyên’, rời bỏ chí nguyện của người xuất gia, nên lần nào Sư Ông vào Sài Gòn cũng gọi con lên nhắc khéo câu: “…Ông thấy con dạo này ‘mất an ninh’ lắm rồi đó nghen…” Mùa hè năm 2000, sau khi được Đại học Delhi - Ấn Độ gởi thư thông báo nhập học, con về lại Phổ Bảo một tuần để sống gần Sư Ông và ôn lại thời làm điệu trước ngày rời xa quê hương tham học. Trước lúc vào lại Sài Gòn để sang Ấn Độ, con đảnh lễ cáo biệt Sư Ông để lên đường, Sư Ông dặn con nhiều lắm, nhưng điều làm con nhớ mãi là: “…Học gì cũng được nhưng cố gắng dùng sở học của mình để phụng sự Tam-Bảo, giáo hội. Nếu có cởi áo hoàn tục thì đừng về đây gặp Sư Ông. Sư Ông không trách chuyện hoàn tục, nhưng Sư Ông quen nhìn mấy đứa con từ nhỏ đến giờ trong chiếc áo của một người tu rồi. Nếu thấy tụi con mặc chiếc áo nào khác đau lòng lắm!”… Con ra tháp Tổ thắp hương, nhìn lên mấy cây xoài trong vườn chùa năm nào cũng trỗ bông thật nhiều nhưng “đậu quả” đâu có bao nhiêu… Sau này trên chuyến bay đến nước Mỹ, con không sao cầm được nước mắt khi chứng kiến ánh mắt của con gấu trắng Bắc cực buồn tênh, bất lực khi nhìn chú gấu con trưởng thành hững hờ xa dần gấu mẹ…trong cuốn phim về đời sống động vật hoang dã được chiếu trên chuyến bay ấy… Và hôm nay, nhìn lại những lớp đệ tử - pháp tôn của Phổ Bảo - Hưng Khánh ai còn, ai mất sau những lần “rơi rụng” theo những lớp sóng thời gian và thế cuộc… Nghe có chút gì đó chạnh lòng! Tình thương của Sư Ông không chỉ dành cho Tăng chúng, cho con người; mà ngay cả những sinh vật hữu tình Sư Ông cũng hết mực thương yêu. Sư Ông gọi những con vật nuôi trong chùa theo thứ tự “cu anh”, “cu em”, “cu tý”… Vì với Sư Ông, con vật cũng có tánh linh của nó, cũng như con người sống cần có tình thương, chỉ có điều chúng ta không thể nghe và hiểu được ngôn ngữ của chúng. Nhớ hồi đó, năm nào Sư Ông cũng về Hưng Khánh đón Tết. Đến giao thừa, con và Dũng phụ trách phần chuông trống Bát-Nhã, thời gian còn lại hai đứa nhặt pháo rơi đốt và ném vào “cu bi, cu đen, cu mực”. “Ba đứa…bi, đen, mực” sợ pháo bỏ chùa xuống “trốn” ở nhà Bà Tám. Sư Ông đi tìm và dắt “ba đứa” về chùa rồi chỉ vào hai đứa con, cười nói: “Hai chú điệu ham vui này làm “ba đứa” sợ bỏ chùa phải không?”… Ngày Sư Ông sang Ấn Độ chiêm bái các Thánh tích Phật giáo, khi về đến New Delhi, Sư Ông gọi điện về chùa dặn các chú điệu chăm sóc “mấy đứa nhỏ: cu anh, cu em, cu tý…”. Những ngày ở Delhi, Sư Ông nghỉ tại phòng 429 ký túc xá Mansarowar. Một buổi sáng ba Ông cháu ngồi uống trà, Sư Ông kể lại giấc mơ đêm trước nhìn thấy “cu tý bay qua Ấn Độ, leo lên cái giường gỗ của ký túc xá liếm chân Sư Ông”. Mấy ngày sau đó, khi Sư thúc Đồng Văn đưa Sư Ông về đến Sài Gòn thì hay tin “cu tý” đã ‘ra đi’ vào chính cái hôm Sư Ông nằm mơ…sau hơn hai tuần bỏ ăn nằm trước cổng chùa đợi Sư Ông về. Con rời xa quê hương Bình Định gần 18 năm, bôn ba nơi đất khách quê người tại hải ngoại gần một vòng của 12 con giáp; nên ít khi được hầu cận Sư Ông. Mỗi lần có dịp về lại Tổ Đình Phổ Bảo con đều nhận được những lời chỉ giáo chân tình và đạo vị từ Sư Ông. Sư Ông vốn ít nói, nhưng lời nào phát xuất từ Sư Ông cũng phảng phất đạo tình và ưu tư cho cơ đồ Giáo hội, cho Đạo mạch Tông môn. Sư Ông ít phiên dịch, trước tác để viết lại những tác phẩm lưu truyền cho hậu thế, nhưng những lời đạo từ của Sư Ông trong những dịp an cư kiết hạ, tết Nguyên đán, trong các cuộc họp của Thiền phái Chúc Thánh… luôn là pháp ngữ - đạo ngôn, là khuôn vàng thước ngọc cho đàn hậu tấn của sơn môn noi theo. Và những lời nói ấy chỉ có thể xuất phát từ các bậc Tổ Đức Tôn Sư. Với con những lúc ấy Sư Ông là hiện thân của Bồ Tát, thể hiện đầy đủ oai phong của một bậc Đại sĩ giáng trần! Lần cuối, con đảnh lễ Sư Ông trước khi trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục cuộc hành trình của một người xuất gia, Sư Ông dạy: “Với Ông, cho dù có lấy được mười tấm bằng Tiến sĩ cũng không trân quý và lợi lạc bằng một bậc chân tu, mô phạm trong đời.” Lời dạy cuối cùng của Sư Ông có lẽ sẽ là phương châm sống cho con trong cuộc hành trình còn lại! …Ngày tứ chúng Phật tử nơi quê nhà ngậm ngùi tiễn đưa nhục thân Sư Ông nhập bảo tháp, bên này bờ đại dương con bảo mấy anh thợ nghỉ sớm và dựng giúp con một bàn thờ tạm trong ngôi chánh điện đang thi công. Con ngồi đó trước di ảnh Sư Ông trong ngôi chánh điện còn dang dở của Phổ Hưng Đạo Tràng, niệm Phật suốt 4 giờ đồng hồ. Con niệm Phật bằng tất cả sự chí thành, chuyển tất cả những ngậm ngùi, thương nhớ thành năng lượng tâm linh hướng về Sư Ông trong giờ phút tiễn biệt Sư Ông về với đất mẹ ngàn thu. Trời Georgia hôm ấy mưa nặng hạt, những chuyến bay thay nhau vần vũ trên bầu trời Atlanta… Buồn tênh, bất lực! …Hôm nay, ngoài kia những bông hoa Dogwood nở trắng cả đạo tràng, những cánh hoa rơi rụng phủ trắng khuôn viên Phổ Hưng. Hoa trắng tinh khôi hay hoa nhuốm màu tang trắng để nói lời chia ly với bậc Đại Sĩ Xuất Trần vừa tạ từ trần thế! Nắng và gió giữa khung trời Atlanta như cũng đang bàng hoàng, thổn thức tấu lên khúc biệt ly! Con ngồi đây với những chuỗi ký ức về Sư Ông - đấng Tôn Sư Thạc Đức vừa theo chư Tổ quảy dép về Tây - để viết lại những dòng tưởng niệm này với tất cả tâm thành kính. Ngưỡng nguyện giác linh Sư Ông thuỳ từ chứng giám! Thành tâm kính nguyện giác linh Sư Ông:
Chu du Thế giới Ba ngàn an nhiên tự tại,
Dạo chơi Tây phương Tịnh Độ vô ngại thong
dong!
Nhất Tâm Đảnh Lễ Từ Lâm
Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế Phổ Bảo - Hưng Khánh Đường Thượng
Húy thượng THỊ hạ HUỆ, Tự HẠNH GIẢI, Hiệu BẢO AN Đại Lão Hòa
Thượng Giác LinhCung kính, Con, Tỳ kheo THÍCH GIÁC HẠNH Atlanta – Hoa Kỳ, mùa hoa nở năm Tân Mão – 2011 * Bài & ảnh => http://phatgiaodaichung.com/Bai2011/001tuongniemtonsu.htm
Chơn Tướng
Thích Như Điển
Lịch sử là một chuổi thời gian trải dài qua không gian vô tận của một kiếp nhân sinh. Thời gian vô cùng và không gian vô tận ấy, con người là chứng nhân của lịch sử. Nếu nói giáo dục là vấn đề nhân bản của con người, thì sự truyền đăng tục diệm trong cửa thiền là vấn đề sinh tử của Phật pháp. Tôi biết Ngài từ năm 2003. Lúc ấy Ngài đang ở tuổi 90, một cái tuổi mà con người khó đạt được. Đó là Đại lão Hòa Thượng Thích Bảo An, Trưởng Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Bình Định. Khi Thầy tôi còn tại thế, Ngài hay vào thăm Bình Định để kết chặt tình môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì Ngài và Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang là một trong những trụ cột của Phật giáo Bình Định thuở bấy giờ. Năm 2003, với tôi là một năm quan trọng. Vì đây là một dấu mốc chuyển sang giai đoạn khác của công việc trụ trì Chùa Viên Giác tại Hannover Đức quốc, sau 25 năm đã thể hiện tại trời Tây và tôi đã quyết định trở về ngôi phương trượng. Do vậy, tôi đã cung thỉnh quý Ngài trong môn phái Chúc Thánh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến Bình Định, Nha Trang, Sài Gòn… sang Đức để dự lễ nầy. Nhân cơ hội ấy, tôi đã gặp Ngài qua sự giới thiệu của thầy Đồng Văn thuở bấy giờ. Ngài dáng người cao ráo, ăn nói hiền hòa. Thỉnh thoảng Ngài cho gọi đệ tử để sai bảo một vài công việc, nhưng đa phần thời gian còn lại Ngài hay nhớ và nghĩ về Bình Định, trong đó có mấy chú chó con tại chùa Phổ Bảo. Tôi không nghe Ngài nhắc về Thầy nào hay người nào của chùa mà chỉ thấy nhắc đến mấy con chó đang nuôi tại chùa. Quả thật, Ngài có một tình thương thiệt bao la vi diệu, không những đối với con người mà đối với mọi loại chúng sanh nữa. Sau một tuần lễ Ngài ở tại chùa Viên Giác, Ngài bảo phải đổi vé máy bay để về lại Việt Nam, vì Ngài lúc nào cũng gọi tên của mấy con chó. Người già thường hay cô đơn và con chó hay trung thành với chủ. Do vậy mà con người nói chung, không mấy ai là ghét chó. Vì con chó ở bất cứ hoàn cảnh nào nó vẫn không nở bỏ chủ. Có thể chủ bỏ nó vào rừng hoang, chủ đem chó cho người khác; nhưng chó thì luôn vẫn tìm về với chủ. Năm ấy, tôi đi đón Ngài tại phi trường Hannover và đón nhận hai tấm bảng sơn son thép vàng. Một của chùa Phổ Bảo tại Bình Định và một của chùa Giác Uyển tại Sài Gòn hiến tặng. Cả hai tấm ấy bây giờ vẫn còn tôn trí trên hai ngạch cửa ra vào tại Tổ Đường chùa Viên Giác. Nghe đâu cả hai tấm này đều do nghệ nhân Bình Định điêu khắc và nội dung bốn chữ của mỗi tấm là do Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang cho chữ. Đó là “Chúc Thánh Dư Hương” và “Chi Dinh Bổn Cố”. “Chúc Thánh Dư Hương” có nghĩa là hương thừa của Chúc Thánh. Chúng tôi là hậu duệ, con cháu của Tổ Minh Hải. Do vậy, Ngài cho bốn chữ nầy thật ý nghĩa vô cùng. Dầu cho ở Bình Định, Sài Gòn hay hải ngoại đi nữa, ở đâu chúng ta vẫn hưởng được cái hương thơm dư thừa ấy từ các vị Tổ Đức ngày xưa. Bốn chữ thứ hai có nghĩa là “cành tốt, gốc chắc”. Nếu cái gốc phát xuất từ Hội An, Quảng Nam cách đây 300 năm lịch sử mà không vững vàng do Tổ Minh Hải khai sơn phá thạch thì ngày nay con cháu của Tổ là những ngọn ngành, không thể phát triển một cách tốt tươi, mạnh mẽ được. Người xưa thường bảo: “nhìn con biết mẹ” là vậy. Nay riêng Tông Lâm Tế Chúc Thánh đã vươn xa ra tận hải ngoại. Từ châu Á qua châu Úc, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Đâu đâu cũng nghe đến pháp danh đứng đầu với các chữ: Ấn, Chơn, Như, Thị, Đồng; Chúc, Thánh, Thọ, Thiên, Cửu… Nếu ai đó bảo rằng tình của người Tăng sĩ là tình Linh Sơn cốt nhục, thì đạo tình của những người cùng môn phái là tình của Tông môn pháp phái cũng chẳng sai tí nào. Vì lẽ Phật thì sống cách xa chúng ta quá nhiều, chỉ có những vị Tổ sáng lập ra môn phái để truyền thừa và nối dòng pháp của Đức Thế Tôn; so ra Tổ gần hơn Phật và vị Thầy thế độ cho ta lại gần hơn Tổ. Nếu không có những bậc Long Tượng của Thiền môn, hiện chơn tướng của những bậc xuất trần thượng sĩ thì không có ai dẫn ta vào nẻo Đạo. Do vậy mà theo giáo lý Phật giáo Kim Cang Thừa, người đệ tử xem vị Thầy Bổn Sư của mình còn gần gũi và quan trọng hơn cả Tổ và cả Phật nữa. Ngày nay, cây, lá, cành và hoa quả đã đâm chồi nẩy lộc tại ngoại quốc. Con cháu của Tổ đã có mặt khắp nơi trên hoàn vũ nầy. Mỗi năm vào ngày mồng 7 tháng 11, dầu ở trong hoàn cảnh nào, Chư Tôn Đức trong Môn phái Chúc Thánh tại Úc châu, Mỹ châu cũng làm lễ kỵ Tổ tại một chùa nào đó trong vùng để tưởng nhớ về công ơn của Tổ đã truyền thừa. Tại chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam mỗi năm đến ngày mồng 7 tháng 11 âm lịch cả hàng ngàn, hàng vạn Tăng Ni, Phật tử khắp nơi từ các tỉnh thành đến nơi thôn dã đều vân tập về đây để lễ Tổ. Lễ Tổ đã trở thành đại chúng hóa và Tổ là một nguồn mạch thiêng liêng để cho hàng hậu bối dìu dắt nhau đi vào lãnh vực của tâm linh cũng như sự truyền thừa. Tổ từ Trung Hoa sang Việt Nam đã chẳng mang theo một vật gì ngoài ba y và một bình bát từ năm 1695. Đến năm 1697, ngôi am tranh Chúc Thánh đã hình thành. Nơi thảo am này, Tổ đã tọa thiền, dạy công án và cuốc đất, trồng khoai. Cuối đời Tổ xuất ra một dòng kệ, mà mãi cho đến ngày nay vẫn truyền chưa xong nửa bài kệ ấy. Tổ đi, không mang chùa viện và đệ tử theo, mà Tổ để lại tất cả cho người Việt Nam, qua thế hệ thứ 2 là ngài Thiệt Dinh, khai sơn chùa Phước Lâm, ngài Pháp Hóa, Quảng Ngãi, ngài Pháp Chuyên, ngài Toàn Nhật tại Phú Yên Việt Nam… Từ đó, chúng ta cũng có thể định vị cho chỗ đứng của Phật Giáo Việt Nam ngày nay tại hải ngoại nầy. Trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Việt Nam đã bỏ nước ra đi vì nhiều lí do khác nhau; trong đó có lí do tự do tôn giáo đứng hàng đầu, mà thuở bấy giờ, tại quê hương Việt Nam không có. Do vậy, trên 400 ngôi chùa Việt đã được xây dựng tại các xứ Âu, Mỹ, Úc nầy. Rồi một mai đây, thế hệ thứ nhất, thứ nhì của người tỵ nạn sẽ nằm xuống, thì thế hệ thứ ba, thứ tư phải tiếp tục truyền thừa; nhưng mong rằng Phật giáo Việt Nam tại Đức sẽ hòa quyện và hội nhập vào văn hóa Đức để trở thành Phật giáo của người Đức. Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Úc châu, Canada… cũng vậy. Nó phải là của người địa phương; chứ không phải mang nặng bản chất Việt Nam suốt thời gian sự truyền thừa được. Mặc dầu khởi thủy từ Việt Nam; nhưng Việt Nam Phật Giáo ấy phải hội nhập vào văn hóa sở tại với các nước Phật Giáo Âu, Mỹ nầy mới là điều đáng tán dương và cổ vũ. Dẫu Tổ ngày nay không còn nữa và Môn phái Chúc Thánh cũng không còn là của người Trung Hoa nữa, mà là của Phật giáo Việt Nam. Do vậy, chúng ta không ngại ngần gì biến Phật Giáo và Môn phái nầy trở thành của người dân sở tại. Nếu không được như vậy thì Chư Tổ có lẽ các Ngài chẳng hoan hỷ chút nào. Vì giáo lý và Tông phong ấy phải khế hợp cả khế cơ và khế lý, thì môn phái ấy mới tồn tại qua thời gian cùng năm tháng được. Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 của năm 2011 nầy, tại Tu viện Viên Đức ở miền Nam nước Đức, tôi được thầy Như Tịnh từ Việt Nam cho hay Sư ông Phổ Bảo, Thích Bảo An đã viên tịch và thọ 98 tuổi. Tôi không ngỡ ngàng, vì biết rằng một ngày nào đó bậc chơn nhân nầy hiện rõ chơn tướng của bậc đại trượng phu cũng sẽ ra đi. Do vậy, tôi đốt nhang cầu nguyện và báo tin nầy cho Hòa Thượng Thích Như Huệ, Trưởng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh hải ngoại hay; lúc ấy Ngài đang ở tại Hamburg, thăm Ni viện Bảo Quang của Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm và Ngài đã dạy tôi, nhờ Thầy Như Tịnh lo vấn đề đi phúng điếu cũng như cúng dường. Tất cả đều như pháp. Nay thì Ngài đã ra đi, tôi chẳng biết những chú chó nơi Tổ đình Phổ Bảo có còn nhớ đến Ngài chăng? Nhưng chắc rằng ở nơi cảnh giới giải thoát kia, bậc chơn nhơn có lẽ sẽ không quên hình ảnh của những con vật, mà ngày xưa nó đã nhiều lần nằm sát bên chân Ngài để sống trong tình thương yêu của chủ, vốn là chân tướng của một bậc đại trượng phu của cửa Thiền. Nay thầy Giác Hạnh tại Hoa Kỳ muốn là kỷ yếu để tưởng niệm về cố Đại lão Hòa Thượng Thích Bảo An, tôi chỉ biết có bấy nhiêu việc về Ngài; nên chỉ xin viết những gì như mình đã biết về một con người luôn sống cho Đạo Pháp, không phân biệt ranh giới giữa người và vật trong suốt 98 năm đồng chơn thanh tịnh ấy. Kính nguyện Giác linh Ngài thùy từ chứng giám. Viết xong ngày 20/4/2011 tại chùa Phật Ân, Hoa Kỳ - Ngày tuyết đổ cuối mùa. |
Quảng Ngãi: Ấn tượng chùa Đục, chùa Hang trên đảo Lý Sơn
Du khách đặt chân đến những ngôi chùa trường tồn
lâu đời cùng huyện đảo quê hương đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, không
chỉ thú vị với kiến trúc độc đáo của chùa Đục, chùa Hang mà hành trình
đến với những thắng cảnh nổi danh xứ đảo này còn được ví như đường lên
tiên cảnh với vẻ đẹp như tranh của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn.
Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi
lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100
bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục. Tọa lạc ngay tiền sảnh
của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên
các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi
là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế
Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những
cơn thiên tai.
Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng
biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để
nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo.
Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát
biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên
cảnh
Những hình ảnh dưới đây được ghi nhận từ thắng cảnh chùa Đục (Lý Sơn)Đường lên chùa Đục men theo lối mòn dưới chân núi Giếng Trời, ngay tiền sảnh khu thắng cảnh là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét
có hơn 100 bậc thang men theo sườn núi dẫn đường lên chùa Đục
các điện thờ nằm sâu trong lòng núi
Chùa thờ Đức Phật và Quán Thế Âm
ở đây dường như không có ngăn cách giữa kiến trúc nhân tạo và địa thế tự nhiên
Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, tương truyền Quán Thế Âm từng ngự ở đây để giữ bình yên cho dân đảo
đỉnh Liêm Tự là nơi cao nhất ở núi Giếng Trời nơi chùa Đục tọa lạc
mỗi góc nhìn từ chùa Đục trên lưng chừng núi đều trông thấy cảnh đẹp như tranh của biển đảo Lý Sơn
Rời chùa Đục, quay ngược về hướng cầu cảng rồi theo
hướng đường lên núi Thới Lới không bao xa là đến Chùa Hang. Nếu đến
chùa Đục phải leo thang lên núi thì để vào chùa Hang, du khách phải
xuống núi. Chùa được khắc tên bằng chữ Hán Nôm là “Thiên khổng thạch tự”
(dịch là chùa đá trời xây).
Chùa Hang là nơi thờ tự Phật và các vị tiền hiền đã
góp công khai hoang, dựng xây huyện đảo. Điện thờ không quá lớn song
đặt trang nghiêm giữa hang động chính. Theo người dân huyện đảo thì
trong hang mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, là nơi dân đảo cư ngụ khi thời
tiết khắc nghiệt. Nằm ngay sát biển, nhưng ngay lối vào hang chính lại
có mạch nước ngọt. Du khách không khỏi thú vị khi ngước nhìn mạch nước
chảy ra từ đá núi rêu phong. Phong cảnh nhìn từ chùa Hang lại phác họa
trong ấn tượng của du khách thêm những bức tranh thủy mạc thiên nhiên ưu
đãi ban cho huyện đảo Lý Sơn.
Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận tại điểm chùa Hang
chùa Hang nằm ngay chân núi sát bờ biển
phải men theo lối giữa hai sườn núi để đến Chùa Hang
kiến trúc chùa tạo nên từ các hang động nằm trong hệ thống hang động lớn nhất ở Lý Sơn nằm trong lòng núi Thới Lới
phía trước hang thờ chính có đề 4 chữ Hán Nôm "thiên khổng thạch tự", dịch là chùa đá trời tạo
nơi đặt bàn thờ Phật, đạt ma và 3 vị tiền hiền đã khẩn hoang xây dựng huyện đảo Lý Sơn
mùa đông, không khí trong hang lại ấm áp, mùa hè lại mát mẻ
gần biển, nhưng chùa Hang lại có mạch nước ngọt chảy ra từ núi đá rêu phong khiến du khách ngẩn ngơ
từ chùa Hang nhìn ra vẫn là những bức tranh biển đảo hùng vĩ đẹp nguyên sơ, thanh bình.
Khánh Hiền
theo Phật Giáo VN nét.
ĐẾN BÌNH ĐỊNH THĂM CHÙA HANG.
Đến Bình Định thăm cảnh chùa Hang | |
BĐNN - Đến
thị trấn Phù Mỹ, rẽ qua đường Chu Văn An, theo hướng Tây đi thêm chừng 6
km nữa, ta đặt chân đến chùa Hang (tên chữ là Thạch Cốc tự hay Thiên
Sanh Thạch tự, nay thuộc xã Mỹ Hòa). Chỉ là một ngôi chùa nhỏ, vậy mà
khung cảnh thật nên thơ, đẹp lạ…
Thời gian tới, cảnh quan chùa Hang sẽ đẹp hơn nhờ đang được xây dựng khang trang hơn. Ảnh: Lê Đức Hưng
Tôi ghé qua chùa Hang đúng vào một
ngày mưa. Con đường rẽ vào ngôi chùa đã bị xáo lên bởi những đợt xe chở
cát, đá đi qua. Nhưng khi đặt chân dưới những gốc cây lớn hai bên lối đá
nhỏ dùng làm đường lên cửa chùa thì bao mệt mỏi như tan biến. Để rồi
lại hồ hởi cất bước hành trình leo dốc.
Đường khá quanh co, nhưng do được lát
bằng những bậc đá, nửa là tự nhiên, nửa có bàn tay chăm chút của con
người, nên dễ đi. Hai bên đường là những tảng đá lớn, chen giữa những
tán cây. Con đường gấp khúc rồi chợt mở ra bằng một lối nhỏ. Trước mắt
ta là một khoảng sân khá rộng, trên có tảng đá lớn nhô ra như một mái
hiên khổng lồ. Đó chính là chùa Hang.
Tảng đá khá lớn nhưng chỉ cách mặt
đất vài mét. Muốn vào hang, khách hành hương phải cúi người và men từng
bước trên những lối nhỏ quanh co. Qua dăm mét, chợt hiện một khoảng
không khá rộng, có thiết bàn thờ Phật. Phía trước bàn thờ có một hang
nhỏ sâu hun hút, theo lời hiệp thợ đang tôn tạo cảnh chùa, hang sâu này
nghe đồn là thông ra tận biển, dài non chục cây số. Sợ có người sảy chân
xuống hang nên giờ họ đã lấp miệng hang lại bằng cát. "Chỉ những ngày
mưa như hôm nay chúng tôi mới khai thông cho nước rút bớt xuống"- một
người thợ nói. Phía sau bàn thờ, con đường nhỏ lại tiếp tục dẫn ta lên
miệng hang. Đi trên những bậc đá, thâm u, hoang tịch, lại nghe tiếng
nước róc rách, như xa, như gần, cảm giác thành kính mà hoang sơ lạ.
Con đường vòng phía sau tảng đá hóa
ra tìm đến miệng hang lại khá thuận. Tảng đá trên miệng hang dài dễ phải
hơn chục mét, bề mặt rộng chừng 5 - 6 m. Mặt trên khối đá gồ lên như
chiếc bát úp lớn. Thật may là đã có những hõm đẽo sâu vào mặt đá tạo
thành bậc nên muốn leo lên đỉnh cũng khá dễ dàng. Trên đỉnh hòn đá, có
một mặt bằng khá rộng, có chỗ cho cả chục người cùng nghỉ chân. Phía sau
lưng là đá núi lô nhô, chen giữa những thân cây, chỉ hở những lối nhỏ
như muốn mời những ai có ý thích khám phá. Phóng tầm mắt ra xa, trước
mặt, về hướng đông, ruộng vườn, nương rẫy trải dài một màu xanh bạt
ngàn.
Vãn cảnh chùa xong, tôi ghé vào ngôi
nhà nhỏ nép dưới chân núi - nơi ở của hai mẹ con người coi chùa. Bà Võ
Thị Dũng, năm nay đã 103 tuổi, đầu óc hãy còn minh mẫn, nhưng không cách
nào nói để cho bà nghe và hiểu được. Còn người con, bà Lê Thị Tiến, năm
nay cũng đã ở tuổi thất thập, thì phải dùng máy nghe. Bà Tiến theo mẹ
lên ở dưới mái chùa từ hồi còn bé. Hai mẹ con bà bị nặng tai do dư chấn
một trận bom Mỹ trong những năm chiến tranh.
Bà Tiến kể cho tôi nghe bao chuyện
truyền tụng về ngôi chùa. Truyền rằng những khi nắng hạn, nghe trên núi
có tiếng ồ ồ như tiếng xay lúa thì liền đó trời đổ mưa to, mưa lâu ngày
mà có tiếng như thế thì biết là trời sắp nắng. Và cách đó chừng vài mét,
bà Hường, người xã Mỹ Trinh, đang phụ giúp nhà chùa trong những ngày có
việc, chỉ cho tôi một mạch giếng nhỏ, giống như con suối nhưng lại có
mạch từ lòng núi chảy ra. Giếng này không bao giờ cạn - bà Hường nói.
Theo Quách Tấn trong Võ nhân Bình
Định và Nước non Bình Định thì dưới triều Thành Thái, khoảng 1890, một
lão tăng, không ai biết danh tánh là gì, quê quán ở đâu, đến ở tu nơi
đây. Lão tăng tuổi độ trên dưới 70, tu theo khổ hạnh đầu đà. Không biết
pháp danh, pháp hiệu, người địa phương gọi lão tăng là "thầy chùa Hang"
hay "thầy chùa Đá Bạc".
Năm Giáp Ngọ (1894) bệnh thiên thời
hoành hành khắp huyện Phù Cát, người chết chôn không kịp. Có làng dân
phải đốt nhà, di tản đi nơi khác để tránh truyền nhiễm. Giữa lúc ấy thì
"thầy chùa Đá Bạc" xuất hiện, đi cho thuốc khắp nơi. Nhiều người khỏi
bệnh. Chẳng những người trong khắp tỉnh Bình Định, mà cả người ở Phú
Yên, Quảng Ngãi, cũng tìm tới xin thuốc. Chùa Hang nổi danh từ đó.
Cảnh chùa Hang đẹp là thế. Nhưng vẻ
đẹp ấy hiện vẫn chưa được khai thác. Hậu quả của những đợt khai thác đá
xây dựng thời gian qua đã làm cho những tảng đá lớn trên đường vào chùa
như bị gặm nát. Chùa Hang sẽ là một điểm hành hương, du lịch văn hóa hấp
dẫn nếu thật sự được đầu tư.
| |
Nguồn: Báo Bình Định | |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét